Osho - Kinh Kim Cương
Chương 5. Hương vị của chứng ngộ
Kinh Kim Cương của Phật Gautama
‘Tại sao vậy? Bởi vì những vị bồ tát này không còn chấp có
ta, có người, có linh hồn, có mạng sống, cũng không chấp có chính pháp và không
chính pháp. Họ cũng không còn có cảm nhận hay không cảm nhận.
Này Subhuti, nếu các vị bồ tát ấy còn phân biệt có chính
pháp và không chính pháp thì còn phân biệt có ta, có người, có linh hồn, có mạng
sống. Cũng vì lẽ đó mà Như Lai thường dạy: pháp của ta cũng như chiếc đò đưa
người qua sông, các ông không nên chấp bám vào pháp. Chính pháp còn phải bỏ, huống
chi là không chính pháp.
Phật hỏi, ‘Subhuti, ông nghĩ sao? Như Lai có thành Phật
không? Và Như Lai có thuyết pháp không?’ Subhuti thưa, ‘Bạch Thế Tôn, theo chỗ
tôi hiểu những gì Phật nói Như Lai không thành Phật và Như Lai cũng không thuyết
pháp. Tại sao vậy? Vì pháp của Như Laikhông thể nắm bắt được, không thể nói được,
chẳng phải chính pháp cũng chẳng phải không chính pháp. Vì sao vậy? Vì cái Tuyệt
đối làm nức lòng các bậc thánh hiền.’
Chúng ta trở lại… trong đoạn kinh trước đây, ông Subhuti hỏi
Phật:
‘Bạch Thế Tôn, trong thời vị lai, thời mạt pháp, trong năm
trăm năm cuối cùng,vào lúc chính pháp suy đồi, sụp đổ, chúng sinh nghe giảng
Kinh này chẳng biết có hiểu được chân lí hay không?’ Phật bảo: ‘Subhuti, ông chớ
nói như vậy!
Cả trong thời vị lai mạt pháp cũng có những chúng sinh khi
nghe giảng kinh này sẽ hiểu được chân lí. Bởi vì, Subhuti, trong thời vị lai, mạt
pháp vẫn sẽ có những vị bồ tát.
Những vị này đã trồng căn lành không phải chỉ một đời phật
mà họ đã nhiều kiếp tu hành, từ vô lượng vô số chư phật,nên khi được nghe những
lời kinh này, họ sẽ hiểu và sẽ tin.
Subhuti! Như Lai biết rõ họ, nhờ trí huệ của phật, Như Lai
thấy rõ họ, nhờ huệ nhãn của phật.
Subhuti! Như Lai hoàn toàn biết rõ họ.’
Vài điều cần phải hiểu; thế thì sẽ dễ dàng đi vào đoạn kinh
hôm nay. Trước hết, về chính pháp, dhamma. Phật coi pháp là tốt nếu nó không phải
là pháp. Nếu nó là pháp thì nó không phải là chính pháp. Phật gọi một triết lí
là tốt nếu nó không phải là triết lí. Nếu nó là triết lí thì nó không phải là
triết lí tốt.
Pháp tức là một hiện tượng được xác lập, được cố định. Vũ trụ
là thay đổi liên tục; không pháp nào có thể chứa đựng được nó. Không một pháp
nào có thể khớp cho nó, không pháp nào có thể biện minh cho sự tồn tại. Mọi
pháp đều thiếu sót.
Cho nên Phật nói. "Pháp của ta chẳng phải là pháp mà chỉ
là tầm nhìn. Ta không trao cho các ông bất kì qui tắc lập sẵn nào, ta không
trao cho các ông hệ thống nào." Ông ấy nói, "Ta chỉ trao cho các ông
một cách tiếp cận tới thực tại. Ta chỉ trao cho các ông chìa khoá mở cửa. Ta
không nói điều gì về cái các ông sẽ thấy khi mở cửa. Chẳng thể nói được gì về
nó cả."
Nghĩ về một người luôn sống trong hang tối, không biết gì về
ánh sáng, không biết gì về mầu sắc, chưa bao giờ nhìn thấy mặt trời và mặt
trăng. Làm sao bạn có thể kể cho người đó về cầu vồng? Làm sao bạn có thể kể
cho người đó về các ngôi sao? Làm sao bạn có thể mô tả cho người đó về hoa hồng?
Điều ấy là không thể được. Và bất kì cái gì bạn nói với người đó, nếu người đó
hiểu nó, điều đó sẽ thành sai. Người đó tạo ra học thuyết và điều đó sẽ sai.
Cho nên Phật nói, "Ta không trao bất kì pháp nào cho
các ông. Ta chỉ trao cho các ông chiếc chìa khoá mở cửa, để cho mọi người có thể
đi ra khỏi hang tối của con người mình và các ông có thể tự thấy hoàn cảnh là
thế nào: yatha bhutam, cái đang đấy." Chẳng có gì đã được nói về nó cả;
đólà lí do tại sao mà nó không phải là một pháp. Phật không phải là triết gia.
Ông ấy là thầy chữa. Điều đó đích xác là điều ông ấy đã nói: "Ta là thầy
chữa, không phải là triết gia".
Triết gia là người cứ liên tục nói về mầu sắc và ánh sáng
cho người mù, cứ làm cho người đó càng lẫn lộn và bối rối. Người mù không có khả
năng hiểu điều gì về ánh sáng. Phật nói: "Ta không định triết lí về ánh
sáng, ta đơn giản cho ông một phương thuốc, ta sẽ cố gắng chữa mắt ông. Thế rồi
ông có thể tự mình nhìn thấy." Điều này được gọi là chính pháp, điều này
được gọi là dhamma. Điều này là một tầm nhìn hoàn toàn khác.
Điều thứ hai cần hiểu: Phật bảo ông Subhuti "Ông chớ
nói như vậy". Tại sao? Bởi vì ý niệm này vẫn rất thường nảy sinh trong mọi
người, ngay cả ở những người như ông Subhuti, những người có phẩm cách tâm linh
cao nhất - rằng họ là đặc biệt, rằng thời đại của họ là đặc biệt, rằng thời đại
họ là đặc biệt hi hữu, rằng về sau này sẽ chẳng có ai đạt đến độ cao như vậy.
Đây là thái độ bản ngã, một thái độ bản ngã tinh vi. Nó chỉ ra nhiều điều về
ông Subhuti. Ông Subhuti còn mang một bản ngã tinh vi.
Trải qua các thời đại, hầu hết mọi người đều mắc bệnh này; họ
cho rằng thời đại của họ là cái gì đó đặc biệt. Chẳng thời nào đặc biệt cả. Điều
thiêng liêng có sẵn trong mọi thời đại. Ở Ấn Độ, người Hindu nói rằng ngày nay
không có ai có thể chứng ngộ được, bởi vì nó là Kali Yuga, thời mạt pháp, thời
kì cuối cùng, thời kì dơ bẩn nhất - không ai có thể trở nên chứng ngộ được. Người
Jaina nói rằng không ai có thể trở nên chứng ngộ được bởi vì thời nay là
Pancham Kal, thời kì thứ năm. Ngay cả các phật tử biết rõ Kinh Kim Cương, cũng
cứ nói rằng thời đại ngày nay không còn ai có thể chứng ngộ được, và thậm chí họ
còn cố gắng diễn giải nhữnglời của Phật theo cách dường như là chẳng ai có thể
chứng ngộ được.
Tối hôm nọ tôi vừa đọc một bài bình về Kinh Kim Cương. Bài
bình nói "Vâng, Phật nói rằng sẽ có một số người có khả năng hiểu được một
chút xíu về chân lí và phước đức của họ sẽ lớn lao - nhưng phước đức không phải
là chứng ngộ. Phước đức chỉ là nền tảng".
Cho nên người diễn giải, người bình luận nói, "Trong thời
đại này không ai có thể trở nên được chứng ngộ; nhiều nhất là các bạn có thể đạt
tới phước đức nào đó. Các bạn phải đợi đến thời kì thích hợp mới trở nên chứng
ngộ. Phước đức của các bạn rất có ích, nó sẽ đặt nền móng, nhưng ngay bây giờ,
các bạn chưa thể xây điện thờ được." Đó là cách thức mọi người đang theo.
Điều Phật đang nói đơn giản là sự kiện này, rằng tất cả các
thời đại đều như nhau đối với người tìm kiếm tâm linh - và cũng thế cho người
không tìm kiếm. Vào thời của Phật đã có hàng triệu người chẳng bao giờ trở nên
chứng ngộ. Không giống như mùa xuân - khi mùa xuân tới mọi cây cối đều đâm chồi.
Nếu đấy là mà trường hợp, thì tất cả những người vào thời Phật đều đã chứng ngộ.
Chỉ có vài người đã trở nên chứng ngộ thôi. Cho nên điều ấy không giống như mùa
xuân, đấy không phải là vấn đề hoàn cảnh; không phải thời đại thuận lợi đặc biệt
làm cho người ta chứng ngộ.
Những người tìm và kiếm, họ sẽ đạt tới. Những người không
tìm và kiếm, họ sẽ chẳng đạt tới; cho dù thời đại có thuận lợi, điều ấy cũng chẳng
thành vấn đề. Và thời đại thì như nhau, thời đại chẳng tốt cũng chẳng xấu. Thời
đại chẳng ủng hộ cho chứng ngộ mà cũng không chống lại chứng ngộ. Bất kì điều
gì bạn muốn cuộc đời mình trở thành, thì thời đại sẽ cho bạn cơ hội.
Thời đại là vô tư. Nó không áp đặt bất cứ cái gì lên bạn, nó
đơn giản cho bạn tự do. Bạn có thể trở nên chứng ngộ, chứng ngộ như bạn ham muốn,
hay bạn có thể vẫn còn không chứng ngộ như bạn quyết định. Sự tồn tại hợp tác với
bạn, nhưng cái ý niệm này cứ nảy sinh đi nảy sinh lại mãi. Tôi đã bắt gặp nhiều
kinh sách trên thế giới: mọi người nghĩ, "Điều gì sẽ xảy ra cho người khác
trong tương lai?"
Cái ý niệm này thậm chí còn ăn sâu cả vào người thường. Bạn
có thể gặp bất kì cụ già nào và cụ ấy đều nói về thời đại của mình. Thời hoàng
kim, những ngày oanh liệt mà cụ đã sống qua là cái gì đó đặc biệt; bây giờ chẳng
có gì trong thế giới cả. Và nhớ lấy, khi về già, bạn sẽ kể lại cho con cháu bạn
cũng những câu chuyện dài dòng, câu chuyện chán ngấy và bạn sẽ lại nói,
"Thật là thời vàng son."
Tôi đã nghe nói về một cụ già tám mươi tuổi cùng với vợ, gần
bẩy mươi tám tuổi, đến Paris. Họ đi khắp thành phố; ông cụ bảo, "Chà, mọi
vật đều thay đổi cả: Paris không còn là Paris nữa. Năm mươi năm trước tôi đã tới
đây khi tôi ba mươi tuổi - đó mới thật là Paris."
Bà cụ bật cười, và vì phụ nữ thì trần tục hơn, thực tế hơn,
bà nói, "Tôi thì tôi nghĩ khác. Tôi cho rằng ông không còn là ông nữa, có
thế thôi. Paris vẫn như xưa. Ông xem bọn thanh niên đó - họ cũng vui chơi như
ông lúc còn trẻ đó thôi."
Bây giờ đối với cụ tám mươi, Paris chẳng có nghĩa gì. Paris
là cuộc sống về đêm; với người tám mươi tuổi, nó chẳng còn liên quan. Cụ không
còn ngu xuẩn để tận hưởng nó. Cụ không còn tuổi trẻ để ngu xuẩn như thế. Những
giấc mơ đã biến mất. Và tôi nghĩ bà vợ cũng phải - "Ông không còn là ông,
Paris thì vẫn như xưa."
Điều ấy cũng xảy ra cho bạn nữa. Bạn bắt đầu nghĩ rằng thời
thơ ấu của mình là tuyệt diệu; bây giờ mọi việc đều không tốt được như thế. Bạn
cảm thấy tiếc cho lũ trẻ đang sống ngày nay. Bạn không biết đó thôi - chúng
cũng sẽ tiếc cho con cháu chúng nữa. Điều này bao giờ cũng như vậy cả. Và mọi
người đều nghĩ thời đại của mình có phẩm chất đặc biệt nào đó, nó là cách mạng.
Và tôi đã nghe, đây đã là những lời đầu tiên Adam thốt ra
khi Adam và Eve bị tống ra khỏi vườn Địa đàng. Anh ta bảo Eve, "Này em
xem, chúng mình đang sống, chúng mình đang trải qua những thời đại cách mạng vĩ
đại." Dĩ nhiên, bị tống ra khỏi vườn Địa đàng phải là một cuộc khủng hoảng
lớn, không một ai đã trải qua khủng hoảng như vậy.
Phật bảo: "Subhuti, ông chớ nói như vậy." Tại sao?
- bởi vì tất cả các thời đại đều có cùng phẩm chất. Không gian và thời gian không
thể bị bạn làm biến chất, chúng không thể bị biến chất được. Bạn thậm chí không
thể nào bắt giữ được thời gian, làm sao bạn làm biến chất nó được? Chúng không
bị ô nhiễm. Bạn có thể làm ô nhiễm không khí và biển cả, nhưng bạn không thể
làm ô nhiễm thời gian, hay bạn có thể làm được?
Làm sao bạn có thể làm ô nhiễm thời gian? Bạn thậm chí còn
không bắt giữ được nó nữa là. Ngay lúc bạn nắm bắt nó, thì nó đã trôi qua. Ngay
lúc bạn trở nên nhận biết về một khoảnh khắc, thì khoảnh khắc đó không còn nữa.
Nó đã trở thành quá khứ, nó đã trở thành lịch sử rồi. Bạn không thể làm ô nhiễm
thời gian được. Thời gian là một trong những thứ thuần khiết nhất, nó bao giờ
cũng thuần khiết.
Đó là lí do tại sao Phật bảo, "Subhuti, ông chớ nói như
vậy! Cả trong thời vị lai mạt pháp cũng có những chúng sinh sẽ hiểu được chân
lí..." Bao giờ cũng sẽ có những người sẽ hiểu chân lí, vì chân lí không phải
là phẩm chất đôi khi xảy ra và đôi khi không xảy ra. Chân lí bao giờ cũng có
đó. Đấy chính là điều được gọi là chân lí - cái bao giờ cũng có đấy.
Chân lí chẳng liên can gì đến thời gian, nó là vĩnh hằng. Bạn
có thể đạt tới chân lí ban ngày, bạn có thể đạt tới chân lí ban đêm, bạn có thể
đạt tới chân lí trong bãi chợ, bạn có thể đạt tới chân lí trên Himalayas, bạn
có thể đạt tới chân lí khi là đàn ông hay đàn bà, trẻ em, thanh niên hay người
già. Bạn có thể đạt tới chân lí vào bất kì lúc nào, bất kì chỗ nào, vì chân lí
bao giờ cũng có sẵn, bạn chỉ phải trở nên sẵn có cho nó.
Và Phật nói, "Chỉ một ý nghĩ về niềm tin thanh thản
cũng có thể làm thay đổi một con người." Chỉ một niềm tin thanh thản...
Nhưng niềm tin là gì, theo nghĩa những lời này của Phật? Niềm tin thông thường
là sợ hãi, niềm tin không là gì ngoài sợ hãi. Nếu bạn đến các nhà thờ, các đền
chùa và gurudwaras, bạn sẽ thấy những con người run sợ, những người sợ hãi - sợ
sống và sợ chết, và chỉ chăm chăm đi tìm nơi trú ẩn vào vị thần nào đó; cảm thấy
bất lực, đi tìm an ninh nào đó ở đâu đó; họ thiếu bố và thiếu mẹ và đang phóng
chiếu một người bố hay người mẹ nào đó trên trời.
Họ còn chưa chín chắn, họ không thể sống mà thiếu bố mẹ. Bố
có thể chết, mẹ có thể không còn sống nữa, nhưng họ vẫn là trẻ con, họ cần cái
váy nào đó để bám vào, họ cần ai đó. Họ không thể sống theo cách của riêng
mình, họ không thể tin cậy vào chính mình.
Khi bạn sợ hãi và vì nỗi sợ của mình, bạn trở thành tôn
giáo, tôn giáo này là hư huyễn. Tôn giáo này là một loại tôngiáo khỉ, tôn giáo
bắt chước, giả. Từ nỗi sợ mà nảy sinh ra việc bắt chước. Phật muốn ngụ ý điều
gì khi ông ấy dùng từ niềm tin? Từ của ông ấy là shaddha. Dạng chữ Phạn của
shaddha là shraddha; nó không thực sự có nghĩa niềm tin, nó có nghĩa tự tin, niềm
tin vào chính mình. Nó là một tôn giáo hoàn toàn khác. Phật gọi nó là chính đạo
còn tôn giáo khác ông ấy gọi là tà đạo.
Nếu bạn tiếp cận tới thực tế từ sợ hãi và run rẩy, thì bạn
đang tiếp cận theo cách sai lầm, và khi bạn tiếp cận theo cách sai lầm, bất kì
cái gì bạn thấy và cảm nhận đều cũng sẽ sai lầm. Mắt bạn sai, tim bạn cũng sai.
Chân lí không thể được biết tới từ sợ hãi, chân lí chỉ có thể được biết tới từ
can đảm. Shaddha là cần có, tự tin vào chính mình là cần có, tin cậy vào chính
bản thể mình là cần có.
Người ta nên tiếp cận tới thực tại từ tin cậy chứ không phải
là từ sợ hãi. Bản chất của niềm tin hay của tin cậy là buông bỏ. Người run sợ
chẳng bao giờ có thể buông bỏ được. Người đó bao giờ cũng phòng thủ, người đó
bao giờ cũng tự bảo vệ mình, người đó bao giờ cũng đấu tranh, người đó bao giờ
cũng chống đối. Ngay cả lời cầu nguyện của người đó, việc thiền của người đó
cũng không là gì khác hơn một cách thức để bảo vệ mình.
Con người của niềm tin biết cách buông bỏ, con người của niềm
tin biết cách buông xuôi, con người của niềm tin biết cách thả mình theo dòng
chảy của con sông và không thúc bách nó. Người đó trôi theo dòng chảy tới bất
kì đâu nó đưa tới. Người đó có lòng dũng cảm và niềm tin rằng người đó có thể
đi cùng dòng nước.
Đây cũng là kinh nghiệm và quan sát của tôi nữa. Bất kì khi
nào một người run sợ tới tôi, người đó đều không có khả năng buông xuôi, mặc dầu
người đó nghĩ người đó mạnhmẽ đến mức người đó không thể buông xuôi được. Chẳng
ai thích cảm thấy mình yếu đuối; đặc biệt những anh chàng thiếu quả quyết thì
chẳng bao giờ thích điều đó. Họ không muốn đi tới nhìn nhận rằng họ yếu đuối, rằng
họ hèn nhát. Họ tưởng mình rất mạnh mẽ - họ không thể buông xuôi được.
Quan sát riêng của tôi là người nào càng mạnh mẽ thì càng dễ
là người buông xuôi. Chỉ người mạnh mẽ mới có thể buông xuôi, vì người đó tin cậy
vào chính mình, người đó tin vào chính mình, người đó biết mình có thể buông bỏ.
Người đó không hề lo sợ. Người đó sẵn sàng thám hiểm cái chưa biết, người đó sẵn
sàng đi vào những vùng chưa được lập bản đồ. Người đó xúc động bởi cuộc hành
trình vào cái chưa biết. Người đó muốn nếm trải nó, với bất kì giá nào và bất
kì mạo hiểm nào. Người đó muốn sống trong hiểm nguy.
Con người của niềm tin bao giờ cũng sống trong hiểm nguy. Hiểm
nguy là chỗ trú của người đó, bất an là an toàn của người đó, và cuộc truy tìm
không mệt mỏi là tình yêu duy nhất của người đó. Người đó muốn thám hiểm, người
đó muốn đi tới chính chỗ tận cùng của sự tồn tại, hay tới chính chiều sâu của sự
tồn tại, hay tới chính đỉnh cao của sự tồn tại. Người đó muốn biết nó là gì -
"Cái gì bao quanh ta? Cái mà ta luôn gọi là ‘tôi’ là cái gì vậy? Ta là
ai?"
Người mạnh mẽ luôn sẵn sàng buông xuôi. Người đó biết rằng
không cần phải sợ hãi. "Mình thuộc về sự tồn tại, mình không phải là kẻ xa
lạ ở đây. Sự tồn tại đã là mẹ mình, sự tồn tại không thể thù nghịch với mình. Sự
tồn tại đã đem mình tới đây; mình là sản phẩm của sự tồn tại. Sự tồn tại có định
mệnh nào đó cần phải hoàn thành qua mình."
Người mạnh mẽ bao giờ cũng cảm thấy định mệnh đó ởkia:
"Mình ở đây để làm điều gì đó mà sự tồn tại cần vàkhông ai khác hơn mình
có thể thực hiện được nó; bằng không, tại sao mình được sinh ra?" Cho nên
người đó bao giờ cũng sẵn sàng đi vào bóng tối, để tìm, để kiếm. Điều này Phật
gọi là shaddha, niềm tin. Tốt hơn là nên dịch nó là tin cậy.
"Chỉ một ý nghĩ về niềm tin thanh thản..." Và thế
rồi ông ấy còn thêm một điều kiện nữa cho nó - niềm tin thanh thản. Bạn có thể
có một loại tin cậy; nó có thể không thanh thản, nó có thể đầy náo động. Điều
đó chẳng ích gì, điều đó sẽ không đưa bạn đi xa. Niềm tin phải thanh thản. Niềm
tin phải đến từ tĩnh lặng, không phải từ cái ồn ào của tâm trí. Niềm tin phải
không là tín ngưỡng. Tín ngưỡng bao giờ cũng ồn ào.
Bạn chọn tín ngưỡng này chống lại các tín ngưỡng khác: dĩ
nhiên có xung đột, nó là chọn lựa. Quanh bạn có hàng nghìn tín ngưỡng đang khao
khát sự chú ý của bạn: Ki tô giáo, Hindu, Mô ha mét giáo, Phật giáo, Jaina giáo
- hàng nghìn tín ngưỡng. Trên trái đất có ba trăm tôn giáo và mỗi tôn giáo lại
có nhiều giáo phái. Bây giờ họ tất cả đều tranh nhau để kết nạp bạn, họ muốn sở
hữu bạn và tự nhiên, tâm trí bạn trở nên rất lung lay và đắn đo. Chọn cái gì, bỏ
cái gì, đi theo ai?
Và thậm chí nếu bạn lựa chọn trong ồn ào và rối loạn này,
thì một phần tâm trí bạn bao giờ cũng cứ nói, "Mình chọn không đúng rồi."
Và phần đó sẽ trả thù. Sớm hay muộn phần đó sẽ khẳng định và sẽ phá vỡ con người
bạn và bạn sẽ bị giằng xé.
Phật nói niềm tin thanh thản là cần có. Niềm tin thanh thản
là gì? Niềm tin không nảy sinh từ chọn lựa mà từ hiểu biết. Mấy hôm trước tôi
có nhận được thư của Chintana. Cô ấy nguyên là nữ tu Ki tô giáo và cô ấy đang bị
giằng xé lắm.
Cô ấy không thể quyết định được liệu nên ở lại với tôi hay
trở về tu viện của cô. Bây giờ bất kì cái gì cô làm đều xuất phát từ hỗn loạn.
Nếu cô quyết định ở lại với tôi, một phần tâm trí cô sẽ tiếp tục đấu tranh chống
lại cô. Nếu cô quyết định trở về tu viện, một phần tâm trí cô sẽ cứ muốn ở lại
đây.
Bất kì cái gì cô ấy chọn lựa đều sẽ sai. Chính chọn lựa của
cô cũng xuất phát từ rối loạn, lo lắng. Nó sẽ là một loại kìm nén. Nếu cô ấy chọn
tu viện thì cô ấy sẽ phải kìm nén tình yêu với tôi. Nếu cô ấy chọn tôi, cô ấy sẽ
phải kìm nén ham muốn về tu viện - xa lánh, cô lập, bảo vệ, thoải mái, tiện
nghi của tu viện.
Bây giờ Phật sẽ gợi ý gì cho cô? Phật sẽ gợi ý thiền, đừng
chọn gì hết. Không vội vàng gì. Vô chọn lựa. Thiền, cầu nguyện, trở nên ngày
càng im lặng. Một khoảnh khắc chọn lựa sẽ tới khi bắt nguồn từ thanh thản.
Không phải là bạn đang chọn chống lại bất kì phần nào của mình; chỉ từ thanh thản
mà nó nở hoa như bông sen. Đây là việc nở hoa hoàn toàn, toàn bộ bản thể bạn
cùng với nó. Đây không phải là việc chọn lựa phương án này chống lại phương án
khác, đây chính là hương thơm của bạn. Thế thì bạn không bị giằng xé. Điều này
Phật gọi là niềm tin thanh thản. Và ông ấy nói chỉ một ý nghĩ về về niềm tin
thanh thản cũng đủ làm biến đổi con người.
Đây cũng là gợi ý của tôi cho Chitana nữa. Hôm nay, có thể
cô ấy còn bị giầy vò hơn; hôm nay là hai mươi nhăm tháng mười hai - ngày lễ
giáng sinh. Cô ấy sẽ bị giằng xé. Nhưng tôi sẽ không gợi ý cô ấy chọn tôi hay
chọn tu viện. Đừng chọn. Đợi, kiên nhẫn. Để Thượng đế chọn cho bạn. Thiền đi.
Làm sao bạn có thể chọn lựa được? Bạn chưa đủ trí huệ để chọn. Cầu nguyện, và
chờ đợi thôi.
Và đừng chơi trò ranh mãnh - vì bạn có thể chơi trò ranh
mãnh bằng tâm trí riêng của mình. Bạn có thể có ý niệm của mình - bạn đã thực sự
chọn - và rồi bạn có thể đợi, và rồi từ cửa sau bạn có thể áp đặt lựa chọn của
mình và bạn có thể tin rằng đấy là từ Thượng đế. Không, khi tôi bảo đừng chọn lựa
thì bạn đừng chọn lựa. Quên việc chọn đi. Làm sao bạn có thể chọn được?
Thiền, trở nên thanh thản, tĩnh lặng, im lặng. Rồi một hôm
khi trong tâm trí bạn không còn một ý nghĩ thì đột nhiên bạn sẽ cảm thấy cái gì
đó đã được quyết định và bạn không phải là người quyết định nó; đấy là quyết định
của Thượng đế. Thế thì dù nó là bất kì cái gì, nó đều tốt.
‘Subhuti! Như Lai biết rõ họ, nhờ trí huệ của phật,
Như Lai thấy rõ họ, nhờ huệ nhãn của phật.
Subhuti! Như Lai hoàn toàn biết rõ họ.’
Bây giờ hai điều này cần phải được hiểu. Một là từ tathagata
- Như Lai. Đây là một từ rất kì lạ và có hai nghĩa, hoàn toàn đối lập lẫn nhau,
hai nghĩa đối xứng lẫn nhau. Nó là một từ kì lạ. Nghĩa thứ nhất là tath-agata,
nghĩa là đến như thế. Nghĩa thứ hai là: tatha-gata, đi như thế. Một nghĩa là đến
như thế, nghĩa kia là đi như thế. Vài người đã chọn nghĩa thứ nhất - đến như thế.
Thế thì nó nghĩa là một người không đến theo ý riêng của mình, người không có động
cơ nào để đến đây. Hừ? Đấy là điều người Ki tô giáo thích nói về Christ - ông ấy
được Thượng đế phái đến. Ông ấy không có động cơ, không có ham muốn nào cần thoả
mãn ở đây. Ông ấy đến như một sứ giả.
Đấy là điều người Mô ha mét giáo thích nói về Mohammed. Họ gọi
ông ấy là Paigamber, sứ giả. Ông ấy không đến với bất kì ham muốn riêng nào của
mình cần được thoả mãn ở đây. Ông ấy hoàn toàn hài lòng, ông ấy không có lí do
gì để ở đây. Những người khác ở đây có lí do, họ không chỉ đến, họ đã đến bởi
vì ham muốn của mình. Họ muốn tới, đó là lí do cho họ tới.
Phật đã tới, không phải là ông ấy muốn tới, ông ấy được bản
thân sự tồn tại phái tới. Chính sự tồn tại đã lấy hình tướng trong ông ấy. Điều
đó không nguyên do, không động cơ, không ham muốn cá nhân. Đó là nghĩa thứ nhất
của Như Lai - đến như thế.
Ý nghĩa thứ hai mà vài người đã chọn - đi như thế. Điều đó
nghĩa là một người đã đi từ đây. Nếu bạn đi sâu vào Phật bạn sẽ không tìm thấy
ai ở đấy cả; ông ấy đã rời bỏ nơi cư ngụ. Ông ấy không còn tồn tại trong thân
thể nữa, ông ấy không còn hiện diện trong thân thể nữa. Ông ấy đã trở thành trống
không. Ông ấy đã diệt độ, đi hoàn toàn sang bờ bên kia. Sự tồn tại thực của ông
ấy diễn ra ở bờ bên kia; tại bờ bên này chỉ một cái bóng đang di chuyển.
Nhưng cách chọn riêng của tôi là cả hai nghĩa. Tôi thích diễn
giải từ ‘Tathagata’, Như Lai, là "đến như thế, đi như thế"... như gió
thoảng. Gió đến không có lí do nào của riêng nó, không có động cơ nào của riêng
nó. Nó hoàn toàn buông xuôi cho sự tồn tại. Sự tồn tại gửi nó tới bất kì đâu,
thì nó tới đó. Bất kì đâu cần, nó tới. Nó không có mục đích của riêng mình. Nó
không nói, "Tôi sẽ chỉ đi về phương bắc. Tôi không đi về phương nam. Tôi
chán phương nam rồi." Hay, "Tôi chỉ đi về phương Đông; tôi là gió rất
tôn giáo." Hay, "Tôi chỉ đi về phương Tây; tôi muốn hưởng thụ cuộc sống."
Không, gió chẳng nói gì cả. Bất kì chỗ nào cần, thì gió tới.
Đến như thế, đi như thế.
Và khi nó rời khỏi một nơi chốn, nó không hề níu bám vào đó.
Gió tới và đi. Nó không nói, "Bây giờ ta đã tới và ta đã chịu biết bao rắc
rối để tới, ta sẽ không đi. Bây giờ ta sẽ ở lại đây. Sau cả hành trình dài thế,
qua bao nhiêu là biển cả và núi non, ta mới tới đây. Bây giờ ta sẽ chẳng đi đâu
nữa, ta sẽ ở lại đây. Bằng không, mục đích của việc ta đến đây là gì?"
Không, gió sẽ đến và gió sẽ đi.
Phật cũng như gió ấy. Đến như thế, đi như thế. Không níu
bám. Việc đến và việc đi của ông ấy đều huyền bí. Việc đến và việc đi của ông ấy
là không dự kiến trước được, đấy là điều không giải thích được, bởi lẽ chỉ động
cơ mới có thể được giải thích và nguyên nhân mới có thể được giải thích. Trong
trạng thái tối thượng của chứng ngộ, trong cái thuần khiết ấy, trong cái viên
mãn ấy, mọi sự đều huyền bí, mọi sự đơn giản xảy ra. Người ta chẳng bao giờ biết
được tại sao; không cần phải hỏi tại sao. Mọi thứ đều tuyệt vời và là phúc
lành. Đến là phúc lành, đi là phúc lành. Trong thân thể là phúc lành, rời bỏ
thân thể là phúc lành. Mang hình hài người là phúc lành, biến mất vào vô hình
hài là phúc lành. Tất cả đều là phúc lành.
Hương vị của chứng ngộ là hương vị của phúc lành. Bất kì cái
gì xảy ra, đâu có gì khác biệt, chẳng thành vấn đề. Không có lựa chọn, không động
cơ, không ham muốn. Mọi thứ tự nó xảy đến, chúng rất huyền bí. Đó là lí do tại
sao không thể giải thích được vị phật. Vị phật có thể được kinh nghiệm, do đó mới
cần trạng thái đệ tử.
Đôi khi mọi người tới hỏi tôi, "Cần gì phải trở thành
sannyasin?" Cái cần là ở chỗ không trở thành sannyasin thì bạn sẽ không có
khả năng nếm trải tôi. Cái cần là ở chỗ không trở thành sannyasin, bạn sẽ chẳng
bao giờ lại gần tôi, bạn sẽ chẳng bao giờ có được kinh nghiệm cực lạc bởi việc
cảm thông sâu sắc với tôi đem lại.
Tính chất sannyas là thấu cảm - là hoàn toàn cùng tôi, toàn
bộ với tôi, là bỏ tất cả mọi đề phòng, là lại gần tôi đến mức cái không của tôi
bắt đầu tràn ngập trong bạn, là lại gần tới mức không còn biên giới nữa, tới mức
chúng ta bắt đầu chờm lấp lên nhau. Để có kinh nghiệm đó, tính chất sannyas là
cần. Và chỉ bằng cách đó bạn mới biết được vị phật, không có cách nào khác.
Điểm nữa cần phải hiểu là, ông ấy nói, "Ta đã thấy rõ họ,
nhờ huệ nhãn của phật. Ta biết rõ họ nhờ trí huệ của phật." Vậy huệ nhãn ấy
là gì và trí huệ của phật là gì? Huệ nhãn của phật theo các kinh Phật chính là
con mắt thứ ba của yoga mà người theo Hindu gọi là Shiva-netra, con mắt của thần
Shiva.
Bạn có hai mắt: chúng là biểu tượng của nhị nguyên, bạn bị
phân chia. Khi bạn đạt tới một cái nhìn duy nhất, khi xuất hiện trong bạn tầm
nhìn thứ ba không phân chia, thì bạn bắt đầu thấy cái thống nhất của sự tồn tại.
Cũng giống như bạn đập vỡ tấm gương và tất cả các mảnh vụn đều phản chiếu biết
bao nhiêu khuôn mặt bạn. Bạn chỉ có một khuôn mặt nhưng các mảnh vụn phản chiếu
cả nghìn khuôn mặt. Nếu bạn gắn lại tấm gương, lúc ấy một khuôn mặt duy nhất xuất
hiện lại.
Thực tại là một toàn thể, nhưng chúng ta có hai mắt, do đó ở
khắp nơi thực tại bị phân chia. Chẳng hạn, một thứ bạn gọi là yêu, thứ khác bạn
gọi là ghét. Trong thực tế chúng là một thứ. Yêu và ghét không phải là đúng từ
để mô tả cho chúng. Năng lượng vẫn là một - nó là yêu-ghét. Chữ ‘và’ cần phải vứt
bỏ ra. Trong thực tế, bạn thậm chí không thể đặt dấu gạch nối giữa chúng:
yêughét là một từ. Ngàyđêm là một từ, sốngchết là một từ, khổsướng là một từ,
đauthích là một từ, vậttâm là một từ. Nhưng vì chúng ta có hai mắt, cho nên tất
cả đều bị phân chia thành hai và thế thì chúng ta cứ tranh cãi hàng thế kỉ.
Đã năm nghìn năm nay người ta cứ tranh luận xem con người là
thể xác hay linh hồn. Không có hai điều đó. Thân thể không là gì ngoài cái hình
hài bên ngoài nhất của linh hồn, còn linh hồn cũng chẳng là gì ngoài cái cốt
lõi sâu thẳm của thân thể. Chúng không phải là hai. Và Thượng đế với thế giới
cũng không phải là hai. Đấng sáng tạo và sự sáng tạo là một.
Điều này được gọi là huệ nhãn của phật - tới được điểm hai
con mắt bạn hội nhập và tan chẩy ra và trở thành một. Jesus nói, "Nếu hai
mắt ông thành như một, thì toàn bộ con người ông sẽ đầy ánh sáng." Đấy chính
là điều chứng ngộ là gì.
Những lời này của Jesus là tuyệt vời, "Khi các ông làm
cho hai mắt thành một, và khi các ông làm cho cái bên trong như cái bên ngoài,
và cái bên ngoài như cái bên trong, và cái trên như cái dưới, và khi ông làm
nam và nữ thành một, để cho nam không phải là nam mà nữ không phải là nữ, thì
khi đó ông sẽ đi vào vương quốc."
Hay còn nữa, "Một người không thể cưỡi hai con ngựa, bắn
hai cái cung, cũng như một đầy tớ không thể phục vụ hai ông chủ, bằng không người
đó sẽ kính trọng người này và làm mất lòng người kia. Nhưng nếu hai mắt của ông
như một thì toàn thân ông sẽ tràn đầy ánh sáng."
Theo truyền thống Phật giáo, cái một của tầm nhìn đó, cái
nhìn không phân mảnh đó, cái nhìn toàn bộ đó, cái nhìn tổng thể đó, được gọi là
huệ nhãn của Phật. Và bất kì cái gì thấy được qua huệ nhãn Phật đều được gọi là
trí huệ của Phật. Và khi bạn có huệ nhãn Phật và bạn nhìn cuộc sống bằng tầm
nhìn đó thì nó thống nhất mọi thứ, và thế thì bạn có thể biết toàn bộ, không phải
như trước. Trước đó, tri thức của bạn bao giờ cũng chỉ là bộ phận, manh mún,
què quặt.
Bây giờ là lời kinh:
‘Tại sao vậy?
Bởi vì những vị bồ tát này không còn chấp có ta, có người,
có linh hồn, có mạng sống, cũng không chấp có chính pháp và không chính pháp.
Họ cũng không còn có cảm nhận hay không cảm nhận.’
Tám điều trên đây được xem như tám trở ngại cho trí huệ.
Chúng phải được hiểu. Trước hết đây là định nghĩa về bồ tát. Bồ tát là ai? Người
đã vượt qua tám trở ngại này về thái độ sai, về cách tiếp cận sai tới cuộc sống.
Điều thứ nhất: chấp có ta. Các từ sau cần phải được hiểu -
chúng gần như đồng nghĩa, nhưng chỉ gần như thôi: ta, người, linh hồn, mạng sống.
Trong từ điển chúng gần như là một, nhưng Phật đã cho chúng những sắc thái khác
nhau, và chúng mang mầu sắc khác nhau, có hơi khác biệt.
Trước hết cái ta nghĩa là bản ngã - ‘của tôi’, ‘tôi’ - phân
biệt với năm phần tử hợp thành con người. Con người được thiết lập từ năm phần
tử, chỉ là tổ hợp của năm phần tử này. Bạn lấy ra năm phần và con người biến mất.
Phật nói chẳng có gì ngoài năm phần tử ấy. Cũng giống như cỗ xe ngựa: nếu đem
tháo rời các bộ phận, các bánh xe, mang ngựa đi, đem đi mọi thứ khác, và nếu cuối
cùng bạn muốn biết xe ngựa đâu, thì xe đã biến mất rồi, bởi lẽ nó chỉ là tổ hợp
của những phần đó.
Đây là một trong những sáng suốt sâu xa nhất của Phật; không
một tôn giáo nào khác đạt được đến độ cao ấy. Tất cả các tôn giáo khác đều dừng
lại ở một ý niệm nào đó về cái ta, với một ý niệm nào đó về bản ngã. Dù tinh vi
đến đâu, dù thiêng liêng đến đâu, dù đức hạnh đến đâu, nhưng một ý niệm nào đó
về bản ngã cũng vẫn cứ còn lại. Bạn gọi nó là cái ta, bạn gọi nó là linh hồn, bạn
gọi nó là atma; điều bạn gọi không thành vấn đề. Phật rất rất rõ ràng về điều
đó - rằng cốt lõi sâu xa nhất của bạn là cái không. Không có bản ngã.
Chữ ‘tôi’ chỉ thuần tuý tiện dụng mà thôi; nó không tương ứng
với một thực tại nào. Nó là cần thiết - ngay cả Phật cũng dùng nó. Nó là tốt
như một phương tiện để giao tiếp, nó chỉ định nhưng không tương ứng với thực tại
nào.
Cho nên điều đầu tiên, cái ta, có nghĩa là ‘tôi tách biệt với
các hợp phần’. Phật nói bạn không có đó, chỉ các hợp phần là có đấy thôi. Bạn
là cái trống rỗng hoàn toàn. Điều thứ hai là người, chấp có người - người nghĩa
là cá thể, ý niệm về người đồng nhất với một cái ta vào các thời đại khác nhau.
Bạn nói rằng "Xưa kia tôi là đứa trẻ, bây giờ tôi là thanh niên và sau này
tôi sẽ trở thành già lão." Bạn có ý niệm nào đó dường như bạn bền vững
mãi. Theo thời gian bạn đã là trẻ con, rồi bạn thành thanh niên - nhưng bạn vẫn
như cũ. Và rồi bạn trở nên già lão và bạn vẫn như cũ. Phật nói rằng từng khoảnh
khắc bạn đều đang thay đổi.
Về điều này Phật hoàn toàn phù hợp với Heraclitus. Bạn không
thể bước hai lần vào cùng một dòng sông. Sông cứ tuôn chảy. Lúc còn bé, bạn là
một cá thể khác, bây giờ bạn là một cá thể khác. Sau này bạn già đi, bạn sẽ là
một cá thể khác nữa.
Trên thực tế mỗi ngày bạn lại
khác, mỗi khoảnh khắc bạn lại
khác.
Tại sao cái ý niệm này lại cứ dai dẳng mãi rằng "Mình vẫn
đấy"? Điều này dai dẳng vì thay đổi quá tinh tế và tầm nhìn của bạn lại
không được tinh tế như thế. Cũng giống như nếu bạn thắp cây nến vào buổi tối,
nó cháy suốt đêm và sáng hôm sau bạn thổi tắt cây nến và bảo, "Đấy vẫn là
cùng ngọn lửa mà mình thổi tắt." Nó không phải vậy. Ngọn lửa nến đã thay đổi,
biến mất liên tục, ngọn lửa mới nảy sinh mỗi khoảnh khắc. Nhưng giữa hai ngọn lửa
này, ngọn này biến mất, ngọn khác xuất hiện, lỗ hổng quá tinh tế, quá nhỏ đến mức
bạn không thể thấy được nó. Đó là lí do tại sao cái ý niệm về cá thể, về con
người cứ dai dẳng mãi.
Phật nói cuộc sống là tiến trình, cuộc sống không giống đồ vật.
Nó là vận động liên tục. Cuộc sống là dòng sông. Phật nói nếu chúng ta muốn
trung thành với thực tại thì chúng ta phải vứt bỏ tất cả các danh từ khỏi ngôn
ngữ, chỉ các động từ mới đúng. Dòng sông là không phải, sông chảy mới đúng. Cây
là không đúng, đang thành cây mới đúng. Tình yêu là không đúng, đang yêu mới
đúng. Cuộc sống bao gồm các động từ, không phải là danh từ.
Và điều thứ ba là linh hồn, ý niệm về một lực cao cấp trú ngụ
trong thân thể; một lực sống động và thống nhất tách rời khỏi mọi thứ khác. Cả
điều này nữa - Phật nói không có lực cao cấp như vậy. Chẳng có gì trú ngụ trong
bạn cả. Không phải bạn là ngôi nhà và có người chủ bên trong, có cư dân bên
trong. Tất cả những cái ở bên trong là cái không thuần khiết.
Và điều thứ tư là ý niệm về mạng sống. Niềm tin vào một thực
thể vĩnh viễn, di chuyển từ kiếp này sang kiếp khác. Điều đó Phật gọi là mạng sống
- điều là bạn sẽ chết và mạng sống của bạn sẽ lập tức được sinh ra trong một bụng
mẹ nào đó khác. Liên tục có đấy, nhưng không có mạng sống. Liên tục có đấy,
nhưng không có cái ta. Liên tục có đấy, nhưng không có cá thể. Liên tục có đấy
nhưng không có linh hồn.
Tầm nhìn này của Phật duy nhất đến nỗi thậm chí quốc gia này
- Ấn Độ, một quốc gia tôn giáo như thế, cũng không thể nuốt nổi nó. Người ta cảm
thấy rằng dường như Phật đã quyết định phá huỷ toàn bộ nền tảng của tôn giáo.
Ông ấy đem đến một tầm nhìn hoàn toàn mới, cao hơn nhiều so với các khái niệm
bình thường về linh hồn, về cái ta vân vân, bởi vì đằng sau các khái niệm này,
bản ngã vẫn tiếp tục ẩn nấp dưới những cách thức mới. Chúng chẳng là gì khác
ngoài cách thức của bản ngã để tồn tại và tiếp tục tồn tại.
Phật nói:
‘Tại sao vậy?
Bởi vì những vị bồ tát này không còn chấp có ta’
Khi một người quay vào trong, khi tâm thức bạn quay vào
trong và nhìn vào bản thể riêng của mình, thì chẳng tìm thấy gì cả:
‘không còn chấp có ta, có người, có linh hồn, có mạng sống’
Bốn điều trên đây biến mất tức khắc.
‘Họ cũng không còn cảm nhận về chính pháp hay không chính
pháp.’
Chính pháp là yếu tố tích cực trong đời sống và không chính
pháp là yếu tố tiêu cực trong đời sống. Tích cực và tiêu cực - Phật nói thậm
chí những điều này cũng không đúng, chúng biến mất. Cảm nhận về chính pháp
không xảy ra. Bạn không bắt gặp trong mình cái thực tại tích cực, mà bạn cũng
chẳng bắt gặp cái thực tại tiêu cực bên trong. Bạn đơn giản chỉ bắt gặp cái
không toàn bộ.
Và nhớ lấy, cái không ấy đừng hiểu nó là đồng nghĩa với vô
thực tại, với cái tiêu cực. Cái không đơn giản có nghĩa là không có cái tích cực,
không có cái tiêu cực. Cả hai đã biến mất, cái nhị nguyên này không còn đó nữa.
Đây là cái im lặng hoàn toàn. Không tìm thấy gì cả, không tìm thấy cả bản thân
bạn, bạn được tự do. Không phải là bạn được giải thoát mà bạn được giải thoát
khỏi chính mình.
Khi người khác nói về tự do, họ bao giờ cũng ngụ ý rằng bạn
sẽ có đó, tự do. Khi Phật nói về tự do thì ông ấy nói bạn sẽ được tự do - bạn sẽ
không có đó. Làm sao bạn có thể trong tự do được? Nếu bạn có đó trong tự do thì
sẽ vẫn còn một loại cầm tù. Bạn là sự cầm tù. Bạn không thể tự do được. Khi bạn
không có đó thì tự do có đó. Khi bạn có đó, tự do không có đó.
Và điều thứ bẩy, không cảm nhận. Khi chẳng có gì để thấy,
thì làm sao bạn có thể thấy nó là cảm nhận được? Không cái ta, không tích cực
và không tiêu cực - chẳng có gì để thấy cả. Khi chẳng có gì để thấy thì bạn
không thể nào thấy được rằng cảm nhận đã xảy ra. Cảm nhận cần cái gì đó để cảm nhận.
Cho nên, điều thứ bẩy, không cảm nhận nào tồn tại. Nhưng thế thì bạn có thể
nói, "Thế thì vô cảm nhận có tồn tại hay không?"
Phật nói khi không có ai để thấy và chẳng có gì để thấy, làm
sao vô cảm nhận tồn tại được? Ông ấy đang phá huỷ tất cả mọi gốc rễ của bản
ngã, tất cả những cách thức tinh vi của bản ngã. Đó là tám thứ chướng ngại. Khi
tất cả chúng biến mất, người ta là bồ tát.
Và thế thì một vấn đề nảy sinh, "Làm sao vẫn còn lại
trên bờ bên này?" Chỉ thế thì... Thế thì bạn mới có cái gì đó để chia sẻ -
cái không của bạn. Thế thì bạn có cái gì đó để chia sẻ - thiên đường của bạn.
Thế thì bạn có cái gì đó để chia sẻ - sự tồn tại tuyệt đối của bạn. Nhưng bây
giờ làm sao còn lại trên bờ bên này? Làm sao nán lại thêm ít lâu nữa trên thế
gian này?
Và Phật nói:
‘Tại sao vậy?
Bởi vì, Subhuti, nếu các vị bồ tát ấy còn phân biệt có chính
pháp và không chính pháp thì còn phân biệt có ta, có người, có linh hồn, có mạng
sống.’
Nếu bạn thấy cái gì đó bên trong, nhớ lấy, bạn vẫn còn ở bên
ngoài. Nếu bạn thấy bất kì cái gì, kể cả Krishna đang thổi sáo, hay Jesus bị
đóng đinh và máu tươi chảy ra từ bàn tay ông ấy, hay Phật ngồi im lặng dưới gốc
cây Bồ đề, nếu bạn bắt gặp bất kì điều gì bên trong, nhớ lấy, bạn vẫn còn bên
ngoài. Đó là lí do tại sao Phật nói, "gặp Phật, giết Phật."
Người ta phải đi tới một điểm mà không còn cái gì để thấy nữa.
Khi không có gì để thấy, người thấy cũng biến mất; đó là điểm cần phải nhớ. Điều
này rất khó hiểu. Người thấy chỉ tồn tại với vật được thấy. Đó là lí do tại sao
Krishnamurti cứ nói đi nói lại "người quan sát là vật được quan sát".
Khi không có gì để thấy, làm sao bạn có thể là người thấy được? Khi nội dung biến
mất đi thì bình chứa cũng biến đi theo. Chúng tồn tại cùng nhau, chúng là hai mặt
của cùng một đồng tiền.
Phật nói không có những thứ như kinh nghiệm tâm linh, tất cả
mọi kinh nghiệm đều là vô tâm linh. Hừ? Ai đó tới và nói, "Kundalini của
tôi đang lên" - một ông Gopi Krishna ở Kashmir nói kundalini của ông ấy
đang đi lên. Đấy không phải là tâm linh, chẳng kundalini nào là tâm linh cả. Đấy
là một hiện tượng vật lí, một hiện tượng trần tục, và có thể đem đến cho bạn
thích thú, giống như dục có thể đem đến cho bạn thích thú. Nó chính là cùng
năng lượng đang dâng lên. Nó chẳng liên quan gì tới tâm linh cả, ít ra là theo
điều Phật ngụ ý về tâm linh.
Và ông Gopi Krishna nói rằng ông ấy đã đạt tới chứng ngộ vì
kundalini của ông ấy đã dâng lên. Ông ấy cảm thấy năng lượng rân rân chuyển
trong cột sống. Nhưng cột sống là cột sống. Và bây giờ ông ấy nghĩ rằng
kundalini đã dâng lên, nó đã đạt tới đỉnh đầu sahasrar, luân xa thứ bẩy, và ông
ấy đã trở nên sáng tạo. Cho nên ông ấy bắt đầu làm thơ. Những bài thơ ấy chỉ là
rác rưởi. Nếu chúng có chứng minh được điều gì thì chúng chỉ đơn giản bác bỏ mọi
kundalini. Tôi chưa bao giờ bắt gặp những bài thơ rác rưởi như vậy - hệt như trẻ
con trường phổ thông. Thậm chí đôi khi chúng còn viết ra những điều hay hơn nhiều.
Bạn có thể tìm thấy một so sánh, và đó là Shree Chinmoy. Ông
ấy làm thơ. Một đêm ông ấy viết một nghìn bài thơ. Ngay cả việc gọi chúng là
thơ thì cũng là điều quá đáng rồi. Chúng thậm chí cũng chẳng là văn xuôi nữa,
chúng chẳng có tính thơ ca gì trong đó cả.
Nhưng những người này nghĩ họ đã đạt tới sáng tạo tâm linh,
vì kundalini đã lên. Ai đó nhìn thấy ánh sáng trong đầu mình, và người đó tưởng
rằng chứng ngộ đã xảy ra - "bởi vì tôi đã thấy ánh sáng. Khi tôi nhắm mắt,
tôi thấy rất sáng." Tôi không nói rằng người ta không thể thấy ánh sáng và
tôi không nói rằng kundalini không đi lên - nó đi lên dễ lắm. Bạn có thể thấy ở
đây, biết bao sannyasin đang trong trạng thái mà Gopi Krishna cho là kundalini!
Điều đó chẳng có gì để khoe khoang cả!
Bất kì kinh nghiệm nào cũng nhất định là bên ngoài, bởi vì bạn
là người kinh nghiệm và kinh nghiệm có đấy, đối diện bạn. Khi tất cả mọi kinh
nghiệm đều biến mất thì có tâm linh. Nhưng thế thì một hiện tượng xảy ra: khi tất
cả kinh nghiệm biến mất thì người kinh nghiệm cũng biến mất. Trong việc thức tỉnh về nó, nó biến mất,
vì nó không thể tồn tại được, nó không thể tồn tại mà không có kinh nghiệm. Nó
nuôi dưỡng cho kinh nghiệm. Khi cả kinh nghiệm và người kinh nghiệm đều biến mất
thì bạn là bồ tát.
‘Tại sao vậy?
Bởi vì, bồ tát không nên chấp tướng chính pháp hay tướng
không chính pháp.
Cũng vì lẽ đó mà Như Lai thường dạy: pháp của ta cũng như
chiếc đò đưa người qua sông, các ông không nên chấp bám vào pháp. Chính pháp
còn phải bỏ, huống chi là không chính pháp.
Phật nói mọi thứ đều phải buông bỏ - chính pháp, không chính
pháp, kinh nghiệm, kinh nghiệm lớn, những kinh nghiệm tâm linh và cuối cùng, kể
cả người kinh nghiệm nữa. Mọi thứ đều phải buông bỏ. Khi chẳng còn lại gì, thậm
chí cả đến một dấu vết của bất kì cái gì, thậm chí cả cái ý niệm rằng giờ đây
không còn gì cả... Thậm chí nếu ý niệm này còn lại - rằng bây giờ chẳng còn lại
gì - thì mọi thứ vẫn có đó. Ý niệm này là đủ để chứa đựng toàn bộ thế giới. Nếu
bạn nói, "Giờ đây chẳng còn gì cả", thế là bạn đã lỡ vấn đề rồi. Thậm
chí bạn không thể nói được điều đó - rằng chẳng có gì ở đó. Ai có đó mà nói? Ai
có đó mà quan sát? Chỉ có im lặng hoàn toàn, im lặng tuyệt đối.
Cho nên Phật nói rằng chính pháp, tôn giáo, cũng giống như
chiếc đò. Đây là những lời nói nổi tiếng của ông ấy. Phật nói trong Trung bộ
Kinh (Majihima Nikaya), "Này các Tì kheo, khi ta dùng hình ảnh chiếc đò,
ta muốn nói rằng Pháp cũng cần phải bỏ lại, không nên ôm giữ. Kẻ nào dùng chiếc
đò để vượt qua một con sông lớn, bờ bên này đầy phiền não và sợ hãi, bờ bên kia
là an lạc và ổn định, sau khi qua sông rồi không nên vác đò lên vai mà đi. Mặc
dù chiếc đò rất có ích để qua sông, nhưng đã qua sông rồi thì nên để đò lại,
không dùng nữa. Này các Tì kheo, khi nghĩ đến hình ảnh chiếc đò, chúng ta phải
buông bỏ cả chính pháp và không chính pháp."
Tất cả các phương pháp - Yoga, Mật tông - tất cả các kĩ thuật,
tất cả các cách thiền, tất cả lời cầu nguyện đều là những phương tiện để đạt tới
bờ bên kia. Một khi bạn đã qua tới bờ bên kia rồi, chúng phải bị bỏ lại đằng
sau. Cảm thấy biết ơn, nhưng đừng vác chúng lên vai, bằng không bạn sẽ chỉ là kẻ
ngốc.
Phật nói tiếp, "Thí dụ về chiếc đò chỉ ra rằng tất cả
các pháp đều phải được xem như tạm bợ, như những phương tiện để đạt được mục
đích. Thí dụ đó cũng có giá trị để tạo ra trống rỗng, phủ định pháp. Việc so
sánh với phương thức chữa bệnh minh hoạ cho hệ quả này. Khi bệnh đã khỏi rồi
thì phải bỏ thuốc đi, vì dùng thuốc kéo dài chỉ làm cho người ta ốm nữa."
Phật nói, "Hệt như thế, phương thuốc có tên trống rỗng
đã được đưa ra để chữa khỏi căn bệnh niềm tin vào sự tồn tại. Nhưng gắn bó với
cái trống rỗng này thì cũng lại là một loại bệnh hệt như gắn bó với sự tồn tại.
Những ai vẫn tiếp tục dùng phương thuốc trống rỗng ấy sau khi đã phục hồi sức
khoẻ, thì chỉ làm cho họ ốm lại."
Nhớ lấy, trước hết người ta phải vứt bỏ mọi thứ và trở thành
trống rỗng và rồi người ta phải vứt bỏ cả cái trống rỗng đó. Cái trống rỗng đó
chỉ là phương thuốc. Phật đã nói rất chí lí, "Ta là thầy chữa, không phải
triết gia." Ông ấy không đem đến cho bạn học thuyết để bám víu vào. Và bất
kì cái gì ông ấy cho bạn đều là tạm bợ, tuỳ tiện và một ngày nào đó nó phải bị
vứt bỏ và quên đi.
Khi tất cả đều biến mất - cả thế giới lẫn Thượng đế, cả vật
chất lẫn tinh thần, cả thân thể lẫn linh hồn, cả người và ta - khi tất cả đã biến
mất và cuối cùng mất luôn cả cái ý niệm rằng tất cả đều biến mất, thì bạn đã đạt
tới, bạn đã trở thành bồ tát. Thế thì vấn đề là làm sao nán lại bờ bên này, làm
sao ở lại đây dù chỉ là một khoảnh khắc thôi?
Bạn sẽ phải tạo ra chittopad, quyết tâm lớn: "Nhiều người
đang loạng choạng trong bóng tối. Ta đã chứng ngộ - ta phải đem điều đó ra chia
sẻ." Từ chittopad đó, từ việc tạo ra tâm trí mới... bởi vì tâm trí cũ đã mất
đi, và với tâm trí cũ đã mất đi, bạn không thể ở lại đây được. Bạn sẽ phải tạo
ra tâm trí mới.
Hai từ cần được hiểu: một từ là đam mê, còn từ kia là từ bi.
Cả hai đều có đam mê trong chúng. Đam mê là tâm trí cũ, tâm trí ham muốn, tâm
trí đầy những ham muốn. Khi tất cả ham muốn đã biến mất và tâm trí cũ đã mất
đi, bạn phải lập tức khởi lên từ bi để cho qua từ bi bạn có thể ở lại đây.
Trong một chút ít thời gian bạn có thể giúp vài người để họ ngước mắt nhìn sang
bờ bên kia. Trong chút ít thời gian bạn có thể hướng dẫn cho vài người, bạn có
thể chỉ con đường.
Phật hỏi:
‘Subhuti, ông nghĩ sao? Như Lai có thành Phật không? Và Như
Lai có thuyết pháp không?’
Ông Subhuti thưa, ‘Không’.
Đó là một trong những phương pháp của Phật - đôi khi ông ấy
hỏi các đệ tử, "Ông nghĩ thế nào, Subhuti? Ông có tin rằng ta đã chứng ngộ
chân lí, đã được Pháp, và ta đã thuyết giảng chân lí cho mọi người không? Ông
nghĩ thế nào?"
Như Lai có thành Phật không?
Và Như Lai có thuyết pháp không?’ Ông Subhuti thưa, ‘Không’.
Rất dễ dàng rơi vào bẫy của Phật; câu hỏi này khó. Câu hỏi
này thuộc kiểu cám dỗ người ta trả lời có. "Vâng, bạch Phật, ngài đã chứng
ngộ, bằng không thì ai chứng ngộ được." Nhưng ngay cả ý niệm về chứng ngộ
cũng không phải là tâm linh. Và Phật đang nói rằng chẳng có cái gì để chứng ngộ,
và cũng không có ai chứng ngộ cả.
Và rất đơn giản để ông Subhuti nói, "Vâng, bạch Thế Tôn,
ngài đã thuyết pháp như chưa từng ai thuyết pháp, ngài đã giảng như chưa từng
ai đã giảng." Nhưng nếu không có cái gì để chứng ngộ thì cái gì có đấy để
mà giảng? Nếu không có gì để chứng ngộ và không có ai để chứng ngộ, thì ai có
thể giảng và cái gì có đấy để mà giảng?
Ông Subhuti không bị mắc bẫy bởi câu hỏi của Phật.
Ông Subhuti thưa:
‘Không, theo chỗ tôi hiểu những gì Phật nói Như Lai không
thành Phật và
Như Lai cũng không thuyết pháp. Tại sao vậy? Vì pháp của Như
Lai không thể nắm bắt được, không thể nói được, chẳng phải chính pháp cũng chẳng
phải không chính pháp.’
Cho nên trước hết ông nói, "Không, Như Lai không chứng
ngộ, bởi vì, nếu như tôi hiểu lời đúng Phật nói, không có cái gì để chứng đắc cả.
Làm sao có thể mô tả cái gì đó bên ngoài mọi vật và bên ngoài cả cái không nữa?
Làm sao có thể giảng được nó? Cái đó không thể nghĩ bàn, không thể diễn đạt, vì
nó chẳng phải có cũng chẳng phải không." Ngôn ngữ chỉ diễn tả được cái có
hoặc không. Nó không thể nói được cái siêu việt lên cả hai.
Để kết thúc ông ấy nói thêm:
Vì sao vậy?
Vì cái Tuyệt đối làm nức lòng các bậc thánh hiền.’
Cái tuyệt đối nghĩa là cái vượt ra ngoài, cái siêu việt, cái
bên ngoài ghét và yêu, cái vượt ra ngoài sống và chết, cái vượt ra ngoài ngày
và đêm, cái vượt ra ngoài đàn ông và đàn bà, cái vượt ra ngoài địa ngục và cõi
trời, cái vượt lên tất cả các cặp nhị nguyên, cái đó là tuyệt đối - và cái Tuyệt
đối làm nức lòng các bậc thánh hiền. Cái tuyệt đối, cái tuyệt đối đó, cái siêu
việt đó làm nức lòng bạn.
Chữ Phạn này rất phong phú. Nó là prabhaveeta. Nó có rất nhiều
nghĩa, nó hàm chứa sự phong phú nghĩa. Nó có nghĩa ‘làm nức lòng’, ‘tôn vinh’,
‘rút lấy sức mạnh từ’, ‘có ánh sáng của’. Mặt trăng phản chiếu ánh sáng mặt trời
- nó là prabhaveeta, nó chỉ là tấm gương.
Vị phật cũng thế. Vị phật là tấm gương trống rỗng. Ông ấy
đơn giản phản ánh sự tồn tại như nó hiện thế - yatha bhutam. Ông ấy không nói
gì cả. Tấm gương chẳng nói gì cả, tấm gương chẳng có gì để nói; nó đơn giản phản
xạ. Nó không làm gì cả với cái đang có, nó đơn giản phản xạ mọi cái đang có -
yatha bhutam.
Sự tồn tại được phản ánh nơi Phật. Cái tuyệt đối làm nức
lòng, cái tuyệt đối được phản ánh. Phật chẳng làm gì cả.
Thầy thực chỉ là tấm gương; thầy đơn giản phản chiếu cái hiện
hữu. Thầy không có triết lí gì để thuyết giảng, không có học thuyết để rao giảng.
Sự tồn tại là triết lí của thầy, cuộc sống là học thuyết của thầy. Thầy chẳng
có gì để nhào nặn, thầy không có động cơ nào đi bất kì đâu. Bản thân thầy không
có, đấy là cách thầy trở thành tấm gương.
Bồ tát đang ở điểm trở thành tấm gương. Nếu ông ấy tạo ra
tâm trí mới, con đường mới - chittopad - từ từ bi, ông ấy sẽ lưu lại ở bờ bên
này thêm chút nữa. Điều này thật là một phép mầu bởi vì ông ấy không còn thuộc
vào cõi thế gian này nữa. Thế gian không còn tồn tại trong ông ấy nữa, vậy mà
điều đó xảy ra, phép mầu này xảy ra.
Hiện hữu của vị phật ở đây trên bờ bên này, chỉ trong vài
ngày hay vài năm, là phép mầu, phép mầu vĩ đại nhất.
Có lần một người tới hỏi Phật, "Tại sao ngài không cho
chúng tôi thấy vài phép mầu?"
Và Phật nói, "Ta là phép mầu đấy."