Osho - Kinh Kim Cương
Chương 4. Từ cõi bên kia
Câu hỏi thứ nhất:
Có điều gì không ổn? Tại sao người ta đối mặt với mọi thứ
mới một cách miễn cưỡng và lo sợ, thay vì vui vẻ phấn khởi?
Cái mới không bắt nguồn từ bạn; nó đến từ cõi bên kia. Nó
không phải là một phần của bạn. Toàn bộ quá khứ của bạn lâm nguy. Cái mới là sự
gián đoạn với bạn, do đó có sợ hãi. Bạn đã sống theo một chiều, bạn đã suy nghĩ
theo một chiều, bạn đã tạo ra một cuộc sống thoải mái theo niềm tin của mình.
Thế rồi cái gì đó mới tới gõ cửa. Bây giờ toàn bộ hình mẫu quá khứ của bạn sắp
sửa bị khuấy đảo. Nếu bạn cho phép cái mới bước vào, bạn sẽ chẳng bao giờ như
cũ nữa, cái mới sẽ biến đổi bạn.
Đấy là mạo hiểm. Người ta chẳng bao giờ biết được mình sẽ chấm
dứt nơi đâu với cái mới. Cái cũ đã được biết rõ, quen thuộc; bạn đã sống với nó
từ lâu, bạn đã quen thuộc với nó. Cái mới là không quen thuộc. Nó có thể là bạn,
nó có thể là thù, ai hay. Mà cũng chẳng có cách nào để biết cả. Cách duy nhất để
biết nó là cho phép nó; do đó mới có e dè, sợ hãi.
Và bạn cũng không thể cứ bác bỏ nó, bởi vì cái cũ không trao
cho bạn cái bạn tìm kiếm. Cái cũ đã từng hứa hẹn, nhưng lời hứa lại chẳng được
đáp ứng. Cái cũ là quen thuộc nhưng nghèo nàn.
Cái mới có thể không dễ chịu, nhưng cũng có khả năng - nó đem lại cho bạn
phúc lạc. Cho nên bạn không thể bác bỏ mà cũng không thể chấp nhận nó; do đó bạn
ngập ngừng, bạn run rẩy; lo lắng lớn nảy sinh trong bản thể bạn. Điều đó tự
nhiên thôi, chẳng có gì sai cả. Đây là cách nó bao giờ cũng vậy, đây là cách nó
bao giờ cũng sẽ vậy.
Cố hiểu dáng vẻ của cái mới đi. Mỗi người trên thế gian này
đều muốn trở thành mới, vì chẳng ai được thoả mãn với cái cũ cả. Không một ai
đã bao giờ thoả mãn với cái cũ vì dù nó là bất kì cái gì, bạn cũng đều đã biết
nó. Một khi đã biết rồi, nó trở thành lặp lại. Một khi đã biết rồi, nó trở
thành nhàm chán, đơn điệu. Bạn muốn vứt bỏ nó đi. Bạn muốn thám hiểm, bạn muốn
phiêu lưu. Bạn muốn trở thành cái mới, ấy thế mà, khi cái mới đến gõ cửa, bạn
co lại, bạn rút lui, bạn núp vào cái cũ. Đó là tình trạng tiến thoái lưỡng nan.
Làm sao chúng ta trở thành cái mới? - và mọi người đều muốn
trở thành cái mới. Dũng cảm là cần thiết, mà không phải dũng cảm thông thường,
dũng cảm phi thường là cần thiết. Nhưng thế giới này toàn những kẻ hèn nhát, do
đó mọi người đã dừng trưởng thành. Làm sao bạn có thể trưởng thành nếu bạn là kẻ
hèn nhát? Với từng cơ hội mới, bạn co lùi, bạn nhắm mắt lại. Làm sao bạn có thể
trưởng thành được? Làm sao bạn có thể hiện hữu? Bạn chỉ giả vờ hiện hữu thôi.
Và bởi vì bạn không thể trưởng thành, nên bạn phải tìm những
sự trưởng thành thế tạm. Bạn không thể trưởng thành nhưng số dư ngân hàng của bạn
có thể tăng trưởng; đó là vật thay thế. Nó chẳng cần dũng cảm nào, nó nhưng
thích ứng hoàn toàn với hèn nhát của bạn. Số dư ngân hàng của bạn tăng lên và bạn
bắt đầu nghĩ rằng mình đang trưởng thành. Bạn trở nên đáng kính hơn. Tên tuổi
và danh tiếng của bạn càng lớn thêm, và bạn nghĩ mình đang trưởng thành sao?
Đơn giản là bạn tự lừa dối mình. Tên bạn không phải là bạn, danh tiếng của bạn
cũng chẳng phải là bạn. Tài khoản ngân hàng của bạn không phải là bản thể bạn.
Nhưng nghĩ về bản thể và bạn bắt đầu run rẩy, vì nếu bạn muốn trưởng thành ở đó
thế thì bạn phải từ bỏ mọi hèn nhát.
Làm sao chúng ta trở thành cái mới? Chúng ta không trở thành
cái mới của chính mình. Cái mới đến từ cõi bên kia, hay nói cách khác, nó đến từ
Thượng đế. Cái mới đến từ sự tồn tại. Tâm trí bao giờ cũng già cỗi. Tâm trí chẳng
bao giờ mới cả, nó là tích trữ của quá khứ. Cái mới đến từ cõi bên kia; nó là
món quà của Thượng đế. Nó là từ cõi bên kia và nó là của cõi bên kia.
Cái chưa biết và cái không thể biết, cõi bên kia, vẫn đi vào
bạn. Nó đi vào bạn bởi vì bạn chưa bao giờ bị đóng xi kín và bị gạt sang bên; bạn
không phải là hòn đảo. Bạn có thể đã quên cõi bên kia, nhưng cõi bên kia không
quên bạn. Con có thể quên mẹ nhưng mẹ không bao giờ quên con. Bộ phận có thể bắt
đầu nghĩ ‘ta tách rời’ nhưng cái toàn thể biết rằng bạn không tách rời. Cái
toàn thể vẫn đi vào trong bạn.
Nó vẫn trong tiếp xúc với bạn. Đó là lí do tại sao cái mới cứ
tới, mặc dù bạn không đón chào nó. Nó tới vào mọi sáng, nó tới vào mọi tối. Nó
tới theo cả nghìn lẻ một cách. Nếu bạn có mắt để nhìn, bạn sẽ thấy nó liên tục
tới với bạn.
Sự tồn tại cứ luôn luôn mưa rào lên bạn, nhưng bạn khép kín
mình trong quá khứ. Bạn gần như một loại nấm mồ. Bạn đã trở nên mất nhạy cảm.
Vì hèn nhát, bạn đã làm mất đi nhạy cảm của mình. Con người nhạy cảm là con người
luôn cảm thấy cái mới - và xúc động về cái mới, và đam mê về cái mới, và cuộc
phiêu lưu sẽ nảy sinh và bạn sẽ bắt đầu chuyển vào cái chưa biết, không biết bạn
đi đâu.
Tâm trí nghĩ đấy là điên rồ. Tâm trí nghĩ bỏ cái cũ là bất hợp
lí. Nhưng điều thiêng liêng bao giờ cũng mới. Đó là lí do tại sao chúng ta
không thể dùng thời quá khứ hay thời tương lai cho Thượng đế. Chúng ta không thể
nói "Thượng đế đã hiện hữu", chúng ta không thể nói "Thượng đế sẽ
hiện hữu". Chúng ta chỉ có thể dùng thời hiện tại "Thượng đế đang hiện
hữu". Nó luôn luôn mới mẻ, tinh khôi. Và nó lúc nào cũng đến với bạn.
Nhớ lấy, bất cứ cái gì mới đến với bạn trong cuộc đời đều là
thông điệp từ điều thiêng liêng. Nếu bạn chấp nhận nó, bạn là người tôn giáo. Nếu
bạn bác bỏ nó, bạn là người phi tôn giáo. Con người chỉ cần thảnh thơi hơn một
chút nữa để chấp nhận cái mới; cần cởi mở thêm một chút nữa để cho cái mới đi
vào. Nhường đường cho điều thiêng liêng đi vào trong bạn đi.
Đó là toàn bộ ý nghĩa của lời cầu nguyện hay thiền - bạn cởi
mở, bạn nói có, bạn nói "Vào đi". Bạn nói, "Tôi đã chờ đợi và chờ
đợi và tôi cám ơn ngài đã đến." Bao giờ cũng đón nhận cái mới với hân hoan
lớn. Ngay cả đôi khi cái mới có đẩy bạn vào bất tiện, dầu vậy nó vẫn xứng đáng
để được đón nhận. Ngay cả đôi khi cái mới dẫn bạn xuống hố, dầu vậy nó vẫn xứng
đáng để được đón nhận, vì chỉ thông qua sai lầm người ta mới học được, chỉ qua
khó khăn người ta mới trưởng thành. Cái mới sẽ đem lại khó khăn. Đó là lí do tại
sao bạn chọn cái cũ - nó không đem lại khó khăn gì. Nó là an ủi, là nơi trú ẩn.
Và chỉ cái mới, được chấp nhận sâu sắc và toàn bộ, mới có thể
làm biến đổi bạn được. Bạn không thể đem cái mới vào cuộc sống mình, cái mới tự
đến. Bạn có thể hoặc chấp nhận nó hoặc bác bỏ nó. Nếu bạn bác bỏ nó, bạn vẫn
còn là tảng đá, khép kín và chết. Nếu bạn đón nhận nó, bạn trở thành bông hoa,
bạn bắt đầu mở ra...Và trong mở ra đó là lễ hội.
Chỉ việc đi vào của cái mới mới có thể làm biến đổi bạn,
không có cách biến đổi nào khác. Nhưng nhớ lấy, nó chẳng liên quan gì tới bạn lẫn
nỗ lực của bạn cả. Nhưng không làm gì không có nghĩa là dừng hành động; đó là
hành động nhưng không có ý chí hay chỉ đạo hay thôi thúc từ quá khứ của bạn. Việc
tìm kiếm cái mới không thể là việc tìm kiếm bình thường, bởi vì đấy là tìm kiếm
cái mới. Làm sao bạn có thể tìm kiếm nó được? Bạn không hề biết nó, bạn chưa từng
gặp nó bao giờ. Việc tìm kiếm cái mới này sẽ là cuộc thám hiểm rộng mở. Người
ta không biết. Người ta phải bắt đầu từ trạng thái không biết, và người ta phải
di chuyển một cách hồn nhiên như đứa trẻ, xúc động với mọi khả năng - và các khả
năng là vô tận.
Bạn không thể làm được gì để tạo ra cái mới, vì bất kì cái
gì bạn làm cũng sẽ là từ cái cũ, sẽ từ quá khứ. Nhưng điều đó không có nghĩa là
bạn phải dừng hành động lại; đấy là làm không có ý chí hay chỉ đạo hay thôi
thúc từ quá khứ của bạn. Hành động không ý chí hay chỉ đạo hay thôi thúc từ quá
khứ - và đó là hành động mang tính thiền. Hành động một cách tự phát. Để cho
khoảnh khắc đó làm quyết định.
Đừng áp đặt quyết định của mình, vì quyết định ấy sẽ là từ
quá khứ và nó sẽ phá huỷ cái mới. Chỉ hành động trong khoảnh khắc giống như đứa
trẻ. Hoàn toàn giao phó mình cho khoảnh khắc đó - và mỗi ngày bạn sẽ phát hiện
ra việc mở ra cái mới, ánh sáng mới, sáng suốt mới. Và những cái nhìn mới này sẽ
làm thay đổi bạn. Rồi một ngày nào đó, bạn bất chợt nhận thấy bạn là từng khoảnh
khắc mới. Cái cũ không còn nấn ná nữa, cái cũ không còn lơ lửng quanh bạn như
đám mây. Bạn giống như hạt sương, tươi mát trẻ trung.
Nhớ lấy, vị phật luôn sống hết khoảnh khắc nọ sang khoảnh khắc
kia. Cứ dường như là con sóng dấy lên trong đại dương, một con sóng khổng lồ. Với
niềm hân hoan và điệu vũ lớn, nó kéo tới, với hi vọng và mơ ước chạm tới các vì
sao. Thế rồi chơi đùa trong một khoảnh khắc, và rồi con sóng đó biến mất. Nó sẽ
lại tới, nó sẽ lại có một ngày khác. Nó sẽ lại nhảy múa và lần nữa nó sẽ lại
qua đi. Điều thiêng liêng cũng vậy - tới, biến mất, lại tới, biến mất. Tâm thức
phật cũng vậy. Mỗi khoảnh khắc nó tới, hành động, đáp ứng và rồi qua đi. Lần nữa
nó tới và qua đi. Nó là nguyên tử.
Giữa hai khoảnh khắc có lỗ hổng; trong lỗ hổng đó vị phật biến
mất. Tôi nói với các bạn một lời, rồi tôi biến mất. Rồi tôi lại nói một lời
khác và tôi có đó, và tôi lại biến mất. Tôi đáp ứng với các bạn và rồi tôi
không còn nữa. Rồi đáp ứng lại có đó và tôi không còn nữa. Những khoảng đó, những
cái trống rỗng đó giữ cho người ta hoàn toàn tươi tắn, bởi vì chỉ cái chết mới
có thể giữ cho bạn tuyệt đối sống.
Bạn chết một lần, sau bẩy chục năm. Tự nhiên bạn tích chứa
những rác rưởi của bẩy chục năm. Vị phật chết đi trong mọi khoảnh khắc - không
rác rưởi nào được tích tụ, không cái gì được tích luỹ lại, không cái gì bị sở hữu.
Đó là lí do tại sao Phật nói hôm nọ rằng có hình tướng là giả dối, vì việc có
là của quá khứ. Không có hình tướng là vị phật.
Nghĩ về điều này mà xem - mỗi khoảnh khắc nảy sinh, giống
như hơi thở. Bạn hít vào, bạn thở ra. Bạn lại hít vào, bạn lại thở ra. Mỗi hơi
thở vào là sống, mỗi hơi thở ra là chết. Bạn được sinh ra với mỗi hơi thở vào,
bạn chết đi với mỗi hơi thở ra. Để cho từng khoảnh khắc là sinh ra và chết đi.
Thế thì bạn sẽ mới.
Nhưng cái mới này chẳng liên quan gì tới quá khứ của bạn, ý
chí của bạn, khuynh hướng của bạn, động cơ của bạn. Nó là hành động tự phát. Nó
không phải là phản ứng mà là đáp ứng. Tất cả những cái gì được làm từ quá khứ đều
cũ, cái đã biết, cho nên người ta không thể tạo ra cái gì mới xuất phát từ
chính mình. Thấy được điều này là giải quyết xong với với cái cũ, với quá khứ
và với chính bạn. Đó là tất cả những điều chúng ta có thể làm. Nhưng nó là mọi
thứ, nó là tất cả. Một khi chấm dứt cái cũ thì cái mới có thể theo sau, nó cũng
có thể không theo sau. Cũng chẳng hề gì. Chính mong ước cái mới là mong ước cũ.
Thế thì người ta sẽ cởi mở hoàn toàn. Thậm chí yêu cầu cái mới lại là mong ước
cũ.
Vị phật thậm chí chẳng yêu cầu cái mới. Không có ham muốn về
bất kì cái gì, rằng “nó đáng phải giống thế này.” Nếu có ham muốn thì bạn sẽ
xoay xở nó giống thế, bạn sẽ áp đặt bản thân mình lên nó. Nhìn cuộc sống một
cách vô ham muốn đi. Nhìn cuộc sống mà không có điều kiện nào. Nhìn cuộc sống
như nó vẫn thế - yatha bhutam. Và bạn sẽ liên tục được đổi mới, được làm tươi
trẻ.
Đấy chính là ý nghĩa thực của phục sinh. Nếu bạn hiểu điều
này, bạn sẽ được tự do khỏi kí ức, vốn là kí ức tâm lí. Kí ức là vật chết. Kí ức
không phải là chân lí và không bao giờ có thể là chân lí được, bởi chân lí bao
giờ cũng sống động, chân lí là cuộc sống; kí ức là sự dai dẳng của cái không
còn nữa. Nó đang sống trong thế giới ma, nhưng nó chứa chúng ta, nó là nhà tù của
chúng ta. Trên thực tế, nó là chúng ta. Kí ức tạo ra cái nút, một phức hợp được
gọi là ‘tôi’, bản ngã. Và tự nhiên, cái thực thể giả tạo được gọi là ‘tôi’ ấy
luôn luôn sợ chết. Đó là lí do tại sao bạn sợ cái mới.
Cái ‘tôi’ này lo sợ, không thực là bạn. Bản thể không sợ
hãi, nhưng bản ngã lại sợ, vì bản ngã rất rất sợ chết. Nó là giả tạo, nó là tuỳ
tiện, nó được gắn lại với nhau. Nó có thể tan rã bất kì khoảnh khắc nào. Và khi
cái mới đi vào, thì có sợ hãi. Bản ngã sợ hãi; nó có thể tan rã. Nó xoay xở bằng
cách nào đó để giữ cho nó được gắn lại, để giữ cho bản thân nó còn nguyên mảnh,
thế mà bây giờ cái gì đó mới lại đến - nó sẽ là một vật tan nát. Đó là lí do tại
sao bạn không chấp nhận cái mới với niềm hân hoan. Bản ngã không thể chấp nhận
cái chết riêng của nó với niềm hân hoan - làm sao nó có thể chấp nhận cái chết
riêng của nó với niềm hân hoan được?
Chừng nào bạn còn chưa hiểu được rằng bạn không phải là bản
ngã, thì bạn sẽ không thể nào đón nhận được cái mới. Một khi bạn đã thấy rằng bản
ngã chẳng là cái gì khác ngoài kí ức quá khứ của mình, rằng bạn không phải là
kí ức của mình, rằng kí ức hệt như chiếc máy tính sinh học, rằng nó là cái máy,
cỗ máy, tiện dụng, nhưng bạn vượt ra ngoài nó... Bạn là tâm thức, không phải là
kí ức. Kí ức là nội dung trong tâm thức; bạn là chính bản thân tâm thức.
Chẳng hạn, bạn thấy ai đó đi trên đường. Bạn nhớ khuôn mặt
nhưng lại không nhớ tên. Nếu bạn là kí ức, hẳn bạn sẽ nhớ tên. Nhưng bạn nói,
"mình nhận ra khuôn mặt nhưng mình không nhớ tên." Thế rồi bạn bắt đầu
lục lọi trong kí ức, bạn vào bên trong kí ức mình, bạn nhìn phía này, phía kia,
và bỗng nhiên cái tên ấy bật ra và bạn nói, "Đây rồi, đây là tên người
đó." Kí ức là cuốn sổ ghi chép của bạn. Bạn là người tra sổ, bạn không phải
là bản thân kí ức.
Và điều xảy ra nhiều lần là nếu bạn trở nên quá căng thẳng
khi phải nhớ điều gì đó thì rất khó nhớ lại được, vì chính căng thẳng trên con
người bạn không cho phép kí ức nhả thông tin của nó cho bạn. Bạn cứ cố nhớ tên
ai đó mà nó lại không chịu ra, thậm chí bạn nói nó ở ngay đầu lưỡi bạn. Bạn biết
là bạn biết, nhưng cái tên vẫn không chịu ra.
Bây giờ điều này thật lạ. Nếu bạn là kí ức, ai ngăn cản bạn
và làm sao nó lại không ra? Và ai là người này, người nói, "Mình biết,
nhưng nó vẫn không chịu ra"? Và rồi bạn càng cố gắng, sự việc càng trở nên
khó khăn hơn. Thế rồi, chán với toàn bộ sự việc, bạn bỏ ra vườn đi bách bộ, và
đột nhiên, khi ngắm bụi hồng, cái tên đã có đấy, nó đã trồi lên bề mặt.
Kí ức của bạn không phải là bạn. Bạn là tâm thức, kí ức là nội
dung. Nhưng kí ức là toàn bộ năng lượng sống của bản ngã. Dĩ nhiên, kí ức là
cái cũ và nó sợ cái mới. Cái mới có thể gây phiền phức, cái mới có thể không dễ
tiêu hoá. Cái mới có thể đem đến rắc rối. Bạn sẽ phải dịch chuyển bản thân
mình. Bạn sẽ phải điều chỉnh lại bản thân mình. Điều đó dường như gay go.
Để là cái mới, người ta cần trở nên không đồng nhất với bản
ngã. Một khi bạn đã không đồng nhất mình với bản ngã thì bạn chẳng cần quan tâm
liệu nó chết hay sống. Trong thực tế bạn biết rằng dù nó sống hay chết, nó đã
chết rồi. Nó là cái máy. Dùng nó đi, nhưng đừng bị nó dùng. Bản ngã liên tục sợ
chết bởi vì nó là tuỳ tiện. Do đó mới có sợ hãi. Cái sợ không nảy sinh từ bản
thể, nó không thể nảy sinh từ bản thể được, vì bản thể là cuộc sống. Làm sao cuộc
sống có thể sợ cái chết? Cuộc sống chẳng biết gì về cái chết cả.
Nó nảy sinh từ sự tuỳ tiện, nhân tạo, cái gì đó được gắn lại
theo cách nào đó, cái giả, cái tạm. Và vậy mà... và vậy mà... chính buông bỏ
như vậy, chính cái chết đó làm cho con người thành sống động. Chết đi trong bản
ngã là được sinh ra trong bản thể, trong điều thiêng liêng.
Cái mới là sứ giả từ sự tồn tại, cái mới là thông điệp từ sự
tồn tại. Nó là cuốn cẩm nang. Lắng nghe cái mới, đi cùng cái mới. Tôi biết bạn
sợ. Mặc cái sợ, đi với cái mới, và cuộc sống bạn sẽ trở thành ngày một phong
phú hơn và một ngày nào đó bạn sẽ có thể phát ra sự huy hoàng bị cầm tù.
Câu hỏi thứ hai:
Osho kính yêu,
Thầy ngụ ý gì khi nói cuộc sống là hoàn hảo?
Tôi muốn nói đúng như thế. Cuộc sống là hoàn hảo. Nhưng tôi
hiểu tại sao câu hỏi này đã nảy sinh. Câu hỏi đã nảy sinh vì bạn có ý niệm nào
đó về hoàn hảo còn cuộc sống không khớp với những ý niệm của bạn, do đó bạn gọi
nó là bất toàn.
Khi tôi gọi cuộc sống là hoàn hảo, tôi không có ý rằng nó khớp
với ý niệm của tôi về hoàn hảo - tôi không có ý niệm nào. Khi tôi gọi cuộc sống
là hoàn hảo, tôi chỉ đơn giản ngụ ý rằng không có gì khác để so sánh với nó,
không có lí tưởng nào. Đây là tất cả những gì có đấy; nó phải hoàn hảo.
Hoàn hảo của bạn bao giờ cũng là so sánh; hoàn hảo của tôi
chỉ là một phát biểu đơn giản về sự kiện, nó không phải là so sánh. Bạn so
sánh, bạn nói, "Đúng, cái này là hoàn hảo, cái kia không hoàn hảo",
và bạn có tiêu chuẩn về cái gì là hoàn hảo.
Tôi có nghe nói về một thầy Sufi, ông này đang nói chuyện với
vài người trong quán cà phê và ông ấy nêu một câu ngạn ngữ xưa của người Sufi:
"Cuộc sống là hoàn hảo, mọi thứ đều hoàn hảo, mọi người đều hoàn hảo."
Một anh gù cũng đang nghe, anh ta liền đứng lên và nói,
"Trông tôi đây! Tôi là bằng chứng rằng cuộc sống không hoàn hảo. Trông tôi
đây! Chẳng lẽ điều đó không đủ để bác bỏ ý niệm của ông rằng cuộc sống là hoàn
hảo hay sao? Trông tôi đây - tôi xấu làm sao, tôi khó khăn làm sao. Tôi là thằng
gù."
Vị thầy Sufi nhìn và nói, "Nhưng anh là chàng gù tuyệt
vời nhất mà tôi chưa từng thấy bao giờ." Chàng gù tuyệt vời nhất...
Một khi bạn bắt đầu nhìn cuộc đời như nó đang đấy, và bạn
không có ý niệm về việc đáng lẽ nó phải thế nào, thì mọi thứ đều hoàn hảo. Ngay
cả cái bất toàn cũng là hoàn hảo. Điều tôi ngụ ý khi nói cuộc sống hoàn hảo là
điều đơn giản: tôi ngụ ý bạn đừng đem lí tưởng của mình vào nó, bằng không bạn
sẽ làm cho nó thành bất toàn; vì khi bạn đem lí tưởng vào thế thì bạn đang tạo
ra bất toàn.
Nếu bạn nói con người lí tưởng phải cao hai mét mốt mà con
người lại không được như thế, thì có khó khăn rồi. Hoặc nếu bạn có ý niệm là
con người phải cao có một mét ba mươi mà con người lại không thế, thế thì có
khó khăn. Cuộc sống là đơn giản. Ai đó cao hai mét mốt và ai đó cao mét ba. Cây
này cao đến tận mây, cây khác bé tí tẹo. Nhưng tất cả đều hoàn hảo, mọi vật đều
như nó phải như vậy, vì không có cái "đáng lẽ phải thế này" trong tâm
trí tôi. Tôi đơn giản nghe và thấy cuộc sống như nó đang đấy. Tôi không có ý niệm
nó đáng phải thế nào. Đó là lí do tại sao tôi nói nó hệt như nó phải như vậy;
không có cuộc sống khác.
Thông điệp là: vứt bỏ so sánh, vứt bỏ phán xét, bằng không,
bạn sẽ vẫn còn khổ, chỉ vì so sánh và phán xét của mình. Nhìn cuộc sống mà không
phải là quan toà đi. Bạn là ai mà phán xét? Bạn biết gì về cuộc sống nào? Thậm
chí bạn biết gì về chính mình nào? Bạn là ai mà phán xét? Phán xét đến từ ý niệm
rằng bạn biết; phán xét là thông thái.
Nhìn cuộc sống bằng trạng thái không biết, nhìn qua trạng
thái không biết đi. Nhìn nó trong say mê thán phục - và bỗng nhiên mọi cái đều
hoàn hảo. Vâng, đôi khi trời đầy mây, nhưng nó hoàn hảo. Và đôi khi trời đầy nắng
và nó hoàn hảo. Và đôi khi trời mưa, đôi khi trời không mưa, nhưng nó là hoàn hảo.
Cứ như nó hiện thế, nó là phúc lành. Hoà hợp với phúc lành này là mang tính cầu
nguyện.
Câu hỏi thứ ba:
Osho kính yêu,
Đôi khi thầy nói về mọi người rằng họ đã lỡ hay sống một
cách phí hoài. Điều đó có vẻ như có một mục tiêu hay một điểm mà người ta có thể
hoặc đạt tới, hoặc bị lỡ. Và thế rồi thầy lại nói không có mục tiêu nào cả, mọi
vật đều hiện hữu. Như vậy làm sao tôi có thể bỏ lỡ được?
Dinesh, bạn lại bị lỡ rồi. Khoảnh khắc bạn hỏi làm sao là bạn
đã lỡ rồi. Có một điểm, không phải để hiểu, mà chỉ cần được nhận ra. Và không
có ‘làm sao’ cho nó vì nó đã có ở đấy rồi; bạn chỉ cần nhìn, bạn chỉ cần ở
trong không gian im lặng để cho bạn có thể nhìn được. Bạn chỉ phải vào một khoảnh
khắc mà bạn không làm gì cả, không đi đâu cả, không cố làm cho mọi thứ tốt hơn
- được thảnh thơi. Trong cái dừng lại đó, trong thảnh thơi đó, nó có đó. Nó là
nhận biết; không phải là việc hiểu mà là nhận biết, vì trong thâm tâm bạn đã là
cái đó và bạn bao giờ cũng là cái đó.
Cứ hỏi làm sao là bạn sẽ lỡ nữa, vì làm sao có nghĩa là một
điều gì đó cần phải làm về nó. Không phương pháp nào cần cả, không con đường
nào cần cả, không kĩ thuật nào cần cả. Mọi kĩ thuật và mọi con đường và mọi
phương pháp đều phải bị vứt bỏ. Bạn phải vào trạng thái im lặng hoàn toàn để
cho bạn có thể nghe được tiếng nói nhỏ bé tĩnh lặng bên trong mình. Nó vẫn có
đó từ bao giờ, nhưng bạn quá ồn ào với những ham muốn đến mức bạn không thể
nghe được âm nhạc của riêng mình.
Đừng hỏi làm sao, và vứt bỏ mọi phương pháp mà bạn đã tích
luỹ qua việc hỏi làm sao. Chỉ rơi vào trong không gian im lặng. Đây là mẹo,
không phải là kĩ thuật. Buổi sáng, khi ngắm mặt trời lên, ngồi im lặng ngắm
nhìn; có gì phải làm đâu? Trăng sáng trên bầu trời: nằm dài trên cỏ và hiện hữu
với trăng, và những đám mây trắng bồng bềnh..., chỉ hiện hữu với chúng. Và chim
hót, trẻ con chơi đùa... và bạn không làm gì cả.
Thụ động đi. Trong thụ động của bạn, điều thiêng liêng tới.
Nữ tính đi. Trong nữ tính của bạn, điều thiêng liêng tới. Bạn đã chưa quan sát
điều đó sao? Phật trông rất nữ tính, Krishna trông rất nữ tính. Tại sao? - vì
điều ấy đơn giản là biểu dụ. Họ đã được mô tả mang nữ tính, duyên dáng, để chứng
tỏ rằng đó là phẩm chất bên trong của họ - tiếp nhận.
Khi bạn làm việc gì đó bạn năng nổ. Khi chẳng làm gì cả, bạn
không năng nổ. Và điều tối thượng không thể bị chinh phục; bạn chỉ có thể cho
phép ngài tới chinh phục bạn.
Câu hỏi thứ tư:
Osho kính yêu,
Kính trọng thầy là gì? Làm sao chúng tôi kính trọng thầy?
Có cần phải lễ nghi để tôn vinh thầy không? Chúng tôi có thể đùa với thầy
không? Trong vũ khúc Sufi, chúng tôi được bảo phải nghĩ về điều gì đó làm chúng
tôi cười khúc khích. Tôi đã nghĩ thầy bị trượt ngã hệt như trượt vỏ chuối. Đó
có phải là bất kính không, hay cũng được?
Với tôi, thế là tuyệt đấy. Nhưng bạn đã thiếu tôn trọng vỏ
chuối. Và nhớ lấy, chuối không phải là chư phật - chúng sẽ không bao giờ tha thứ
cho bạn đâu.
Câu hỏi thứ năm:
Osho kính yêu,
Thiền có thể là đam mê không?
Có, đó là cách duy nhất cho thiền tồn tại. Đam mê là năng lượng,
đam mê là ngọn lửa, đam mê là cuộc sống.
Nếu bạn thiền hờ hững, không đam mê, không mãnh liệt, không
nồng nhiệt, thì chẳng cái gì xảy ra cả. Nếu bạn cầu nguyện chỉ theo nghi lễ và
đấy không phải là tình yêu nảy sinh trong tim bạn, thì nó là vô nghĩa, nó là ngớ
ngẩn.
Nếu bạn cầu nguyện Thượng đế mà không tha thiết, thì sẽ
không có mối nối nào giữa bạn và Thượng đế. Chỉ đam mê mới có thể trở thành cây
cầu, cơn khát, cơn đói. Bạn càng khát bao nhiêu thì càng nhiều khả năng bấy
nhiêu. Nếu bạn hoàn toàn khát, nếu bạn trở thành cơn khát, toàn bộ con người bạn
bị tiêu tan trong đam mê, chỉ thế thì cái gì đó mới xảy ra - trong mạnh mẽ đó,
trong khoảnh khắc đam mê một trăm độ.
Đừng hiện hữu hờ hững. Mọi người sống cuộc sống hờ hững. Họ
chẳng thế này thế nọ, do đó họ vẫn tầm thường. Nếu bạn muốn vượt ra ngoài điều
tầm thường đó, tạo ra cuộc sống với niềm đam mê lớn lao đi. Bất kì điều gì bạn
làm, làm nó một cách đam mê. Nếu bạn hát, thế thì hát một cách say sưa. Nếu bạn
yêu, thế thì yêu một cách say đắm. Nếu bạn vẽ, thế thì vẽ một cách mê say. Nếu
bạn nói, thế thì nói một cách nhiệt thành. Nếu bạn nghe, lắng nghe một cách mê
mải. Nếu bạn thiền, thiền một cách đam mê.
Và từ bất kì đâu, bạn cũng sẽ bắt đầu có tiếp xúc với điều tối
thượng - bất kì đâu có đam mê. Nếu bạn đang vẽ với niềm đam mê hoàn toàn, việc
vẽ của bạn là thiền. Không cần bất kì thiền nào khác. Nếu bạn đang nhảy múa với
niềm đam mê hoàn toàn để cho vũ công biến mất và chỉ điệu vũ còn lại, đấy là
thiền - không cần cái gì khác, chẳng phải đi đâu, chẳng cần các tư thế yoga...
Đây là tư thế yoga: vũ công đã biến mất và điệu vũ có đó. Đấy là năng lượng thuần
khiết - năng lượng rung động.
Trong trạng thái ấy bạn tiếp xúc. Tại sao trong trạng thái
đó bạn lại tiếp xúc? - bởi vì khi đam mê thật lớn, bản ngã chết. Bản ngã chỉ có
thể tồn tại trong tâm trí tầm thường; chỉ người tầm thường mới mang bản ngã. Những
người thực sự vĩ đại thì không bản ngã, họ không thể thế được. Nhưng cuộc sống
của họ có chiều hướng hoàn toàn khác, tầm hướng khác - tầm hướng của đam mê.
Bạn có quan sát hai chữ này - passion (đam mê) và compassion
(từ bi) không? Đam mê trở nên được biến đổi thành từ bi. Có bước nhảy lượng tử
từ đam mê vào từ bi - nhưng bước nhảy lượng tử chỉ xảy ra khi bạn đã sôi đến một
trăm độ, thế thì nước biến thành hơi. Cũng cùng năng lượng này đã tồn tại như
đam mê một ngày nào đó trở thành từ bi. Từ bi không đối kháng với đam mê; nó là
đam mê đã đến độ, nó là đam mê đã nở hoa. Nó là mùa xuân của đam mê. Tôi hoàn
toàn ủng hộ đam mê. Làm bất kì cái gì bạn làm đi nhưng mất hút trong nó, buông
bỏ bản thân mình trong nó, tan biến bản thân mình vào trong nó. Và tan biến trở
thành giải thoát.
Câu hỏi thứ sáu:
Osho kính yêu,
Sáng nay, khi đang ngồi gần bục giảng sau buổi nói chuyện,
tôi cảm thấy dường như tôi đang ngồi dưới chân thầy và thầy đang chia sẻ câu
chuyện tuyệt vời về những thác nước, những rừng cây, và về hạnh phúc. Thầy mỉm
cười và có niềm hân hoan tràn ngập, vậy mà chỉ mấy phút sau đó, khi thầy rời khỏi
bục giảng, tôi cảm thấy bị choáng váng, với cảm giác bị ai đánh một gậy vào đầu.
Osho, thầy đang làm gì chúng tôi thế? Thầy kể những câu
chuyện tuyệt vời hay đánh vào đầu chúng tôi, hay là sao?
Samata, những câu chuyện đó chỉ để chuẩn bị cho những cú đánh. Tôi đang làm cả hai. Trước
hết tôi phải kể chuyện cho các bạn - những câu chuyện tuyệt vời về rừng cây và
núi non và mây trời, những câu chuyện tuyệt vời về bờ bên kia, những câu chuyện
tuyệt với về trạng thái phật và bồ tát. Và khi tôi thấy bây giờ các bạn bị mất
hút vào câu chuyện và tôi có thể đánh mà các bạn sẽ không giận, thì tôi đánh.
Những câu chuyện chỉ là chuẩn bị nền, nhưng công việc cơ bản là đập búa vào đầu
bạn. Tôi phải phá huỷ bạn.
Dĩ nhiên, một công việc như vậy đòi hỏi tôi trước hết phải
thuyết phục. Trước hết tôi phải dụ dỗ các bạn tới ngày một gần hơn, gần nữa, gần
nữa vào; chỉ thế thì búa mới giáng xuống bạn. Bằng không các bạn sẽ chạy trốn hết.
Những câu chuyện ấy không cho phép các bạn trốn thoát, chúng giữ các bạn gần
tôi. Những câu chuyện tuyệt vời đó vận hành tựa như chất keo dính giữa tôi và bạn
và khi tôi thấy thời cơ đúng đã đến, là tôi đánh - và khi tôi đánh, tôi đánh một
cách say mê.
Câu hỏi thứ bẩy:
Osho kính yêu,
Thầy muốn tất cả chúng tôi trở thành bồ tát. Điều đó
nghĩa là chúng tôi phải quyết tâm dẫn dắt mọi người qua bờ bên kia. Tuy nhiên,
tôi cảm thấy mình chưa có khả năng quyết tâm như vậy. Đôi khi tôi cảm thấy tình
yêu với người khác, đôi khi tôi chỉ bận bịu với chính mình. Vậy thì tôi có phải
chờ đợi không? Hay có phải cái quyết tâm ấy không phải là điều nói ra mà thay
vì thế giống như là trái cây tự nó chín không? Và thế thì tại sao phật lại là
phật mà không phải là bồ tát?
Trước hết, ba điều này cần phải được hiểu. Một, trạng thái bình
thường của tâm trí con người - khi bạn níu bám với thế gian, với bờ bên này, và
bờ bên kia dường như là hư ảo. Bạn không thể nào tin được vào bờ bên kia. Bạn
níu bám quá chặt vào bờ bên này đến nỗi vấn đề duy nhất là phải giúp bạn gỡ nó
nữa.
Ngay bây giờ, Sandela, chẳng ích gì nếu bạn bắt đầu nghĩ về
việc trở thành bồ tát. Điều này chẳng ích gì, điều này sẽ là nguy hiểm. Điều
này sẽ chỉ là cách thức để níu bám vào bờ bên này. Bạn còn chưa thoát khỏi bờ
bên này. Đây sẽ là cách thức mới để níu bám vào thế giới lần nữa. Và điều này rất
thủ đoạn - bây giờ nó sẽ nhân danh tôn giáo, từ bi, tình yêu mọi người, phục vụ.
Bây giờ nó sẽ có một ý thức hệ vĩ đại trong đó - "Mình ở đây để giúp mọi
người, đó là lí do tại sao mình không định sang bờ bên kia." Và bạn không
muốn qua bờ bên kia, và bạn không biết rằng bờ bên kia tồn tại, và bạn thậm chí
chẳng tin rằng bờ bên kia hiện hữu. Bây giờ bạn rơi vào cái bẫy rất tinh vi.
Đây là giai đoạn thứ nhất của tâm trí bình thường: nó bám
víu vào thế gian, nó cứ luôn luôn tìm ra ngày càng nhiều những lí do mới để níu
bám. Rất khó gỡ ra. Giai đoạn thứ hai là giai đoạn của bồ tát, người đã đạt tới
trạng thái gỡ ra đó, nơi người đó sẵn sàng bay qua bờ bên kia, người đó không
còn gốc rễ nào trong thế giới này. Trong giai đoạn thứ nhất rất khó gỡ ra,
trong giai đoạn thứ hai rất khó níu bám.
Kinh Kim Cương là dành cho những người ở giai đoạn thứ hai,
không phải dành cho những người ở giai đoạn thứ nhất. Trước hết bạn phải gỡ ra,
trước hết bạn phải phá huỷ tất cả gốc rễ của bạn ở thế giới này. Khi bạn đã phá
huỷ tất cả các gốc rễ của mình rồi, chỉ thế thì bạn mới có thể giúp đỡ được người
khác, bằng không bạn chẳng giúp được gì cả. Bạn chẳng có gì để chia sẻ cả. Bạn
có thể cứ tin "tôi yêu mọi người" nhưng bạn chưa có tình yêu. Bạn vẫn
muốn mọi người yêu bạn. Bạn vẫn là kẻ ăn xin, bạn chưa ở vị trí chia sẻ tình
yêu của bạn không bởi lí do nào, chỉ vì niềm vui tột đỉnh của việc chia sẻ.
Trước hết đạt tới giai đoạn hai đi đã. Trước hết để cho mình
hoàn toàn vô ngã đi. Phá huỷ mọi gốc rễ của bạn trong thế giới này, đừng mang
tính sở hữu. Chỉ thế thì điều Phật đang nói mới liên quan tới bạn: thế thì vấn
đề sẽ nảy sinh. Trước hết vấn đề là làm sao gỡ ra, thế rồi vấn đề nảy sinh là
làm sao để níu bám nó thêm một chút nữa.
Phật nói, khi bạn không còn gốc rễ thế thì bạn lại được cần ở
đây. Thế thì bạn có cái gì đó để chia sẻ. Thế thì bạn có kim cương để chia sẻ.
Thế thì trước khi ra đi, chia sẻ và lưu lại đây lâu đến mức bạn có thể. Đây là
giai đoạn hai. Giai đoạn ba là giai đoạn của vị phật người đã đạt tới bờ bên
kia.
Bây giờ bạn hỏi: "Tại sao phật lại là phật mà không phải
là bồ tát?" Giai đoạn ba còn khó hơn. Đến bờ bên kia rồi, nhưng vẫn còn ở
bờ bên này, đó là việc khó khăn nhất. Đến bờ bên kia rồi, nhưng vẫn còn giúp đỡ
mọi người là điều khó khăn nhất. Cho nên đấy là ba điều khó. Thứ nhất, gỡ ra khỏi
bờ bên này. Thứ hai, khi việc gỡ ra đã xảy ra thì vẫn lưu lại trên bờ bên này.
Và thứ ba, khi bạn không thể lưu lại trên bờ bên này... vì một khoảnh khắc sẽ tới
khi điều ấy trở thành không thể được.
Mỗi vị bồ tát đều phải trở thành vị phật. Bạn không thể bám
víu mãi bờ bên này, đó là bất hợp pháp. Đến một lúc nào đó bạn phải ra đi. Lưu
lại một chút thì có thể được; nhiều nhất là một kiếp sống, không nhiều hơn thế.
Thế rồi bạn sẽ phải ra đi. Bạn có thể níu bám một kiếp, vì tất cả các rễ cây đều
bị phá huỷ nhưng bạn vẫn còn thân thể, cho nên bạn có thể lưu lại trong thân thể
đó. Bạn có thể níu bám nhiều nhất một kiếp sống, rồi bạn phải ra đi.
Thế thì đến giai đoạn thứ ba - vị phật. Phật là người đã ra
đi rồi mà vẫn tiếp tục cứu giúp mọi người. Nhưng nhớ lấy, nếu bạn đã là bồ tát,
chỉ thế thì bạn mới có khả năng trong giai đoạn thứ ba vẫn cứu giúp mọi người,
ngoài ra thì không thể.
Có hai từ cần phải hiểu. Một là alahán, và từ kia là bồ tát.
Alahán là một người... cũng cùng trạng thái như bồ tát - thế giới đã bị phá huỷ,
vị ấy không còn gắn bó nữa, bản ngã đã mất - nhưng lập tức vị ấy sang bờ bên
kia. Vị ấy được gọi là alahán. Vị ấy không bận tâm về người khác. Vị ấy đơn giản
qua bờ bên kia ngay khi đã sẵn sàng. Alahán sẽ không thể từ bờ bên kia mà cứu
giúp được, vì vị ấy không biết phải làm cách nào để giúp, vị ấy chưa bao giờ được
huấn luyện để giúp đỡ. Còn bồ tát cũng trong cùng trạng thái như alahán. Vị ấy
đã chứng ngộ, vị ấy đã thấy, vị ấy đã trở thành chân lí, nhưng vị ấy vẫn lưu lại
bờ bên này lâu thêm chút nữa và cứ giúp đỡ mọi người theo đủ mọi cách mà vị ấy
có thể giúp. Vị ấy biết cách cứu giúp.
Nếu bạn đã là bồ tát và thế rồi bạn sang bờ bên kia, bên bờ
bên kia alahán cũng trở thành vị phật và bồ tát cũng trở thành vị phật - bờ bên
kia là bờ của trạng thái phật - nhưng người đã từng là bồ tát trên bờ bên này sẽ
có khả năng giúp đỡ từ bờ bên kia nữa. Vị ấy sẽ tìm ra cách thức và phương tiện.
Và vị phật tiếp tục cứu giúp qua hàng thế kỉ.
Cả đến bây giờ, nếu bạn cởi mở với Phật, thì giúp đỡ sẽ tới
với bạn. Cả đến bây giờ, nếu bạn thiết tha yêu mến Phật, thì sự giúp đỡ sẽ đến
với bạn. Ông ấy vẫn gọi bạn từ bờ bên kia, nhưng tiếng gọi của ông ấy thật xa
xăm. Bạn sẽ phải lắng nghe thật chăm chú, còn chăm chú hơn cả nghe tôi nói, bởi
vì tiếng nói ấy sẽ tới từ cõi bên kia.
Sớm hay muộn, tôi cũng sẽ ra đi. Nếu bạn biết cách chăm chú
lắng nghe tôi, nhiều người trong các bạn sẽ có thể nghe được tôi từ bờ bên kia
nữa.
Trạng thái phật là trạng thái tâm thức tối thượng. Nhưng nếu
bạn đi qua trạng thái bồ tát, bạn vẫn còn có sẵn cho thế giới. Bạn sẽ là cánh cửa
sổ mở tới Thượng đế mãi mãi. Nếu bạn không đi qua trạng thái bồ tát, bạn sẽ biến
mất vào trong cõi vô cùng, nhưng chẳng ai còn được bạn giúp đỡ nữa.
Câu hỏi cuối cùng:
Osho kính yêu,
Bất kì khi nào thầy nói về việc nhận ra trạng thái phật của
ai đó, thầy đều nói rằng điều đó là việc xảy ra bất thần, như sét đánh, không
phải là một tiến trình, nhưng điều tôi có thể thấy xảy ra trong tôi là một tiến
trình rất chậm chạp của việc trở nên bằng lòng hơn, ít trong kìm kẹp của bản
ngã hơn.
Vậy thầy có thể làm sáng tỏ khác biệt giữa tiến trình đó
với cái ‘chớp nhoáng bất thần’ đã xảy ra cho thầy không? Có nguy hiểm nào trong
việc trở nên quá bằng lòng với tiến trình chậm chạp không?
Không, Deepta, không có mối nguy nào cả. Chứng ngộ bao giờ
cũng giống như tia chớp. Nó là trong chớp loé, nó là bùng nổ bất thần. Nó không
thể đến từ từ, vì nó không thể bị phân chia; bạn không thể có nó từng tí một.
Thế thì cái gì đang xảy ra cho Deepta? Cô ấy cảm thấy cô ấy
đang trở nên hài lòng dần dần. Đây không phải là chứng ngộ, đây là nền tảng cho
chứng ngộ xảy ra. Nền tảng có thể được chuẩn bị dần dần, trong thực tế phải được
chuẩn bị dần dần. Bạn không thể chuẩn bị nền tảng tựa tia chớp, trong một chớp
loé. Đôi khi cần nhiều kiếp để chuẩn bị nền tảng.
Việc chuẩn bị cho trạng thái phật là việc tiến triển dần,
nhưng việc xảy ra thực tế của trạng thái phật là bùng nổ bất thần bên trong bạn.
Cho nên đừng sợ, điều này là tốt. Bạn đang đi đúng đường. Trở nên ngày một bằng
lòng hơn đi.
Cái ngày bạn hoàn toàn hài lòng, sẽ có tia chớp.