Osho - Kinh Kim Cương
Chương 9. Thiên đường - Mảnh đất thuần khiết
Phật hỏi, ‘Subhuti, ông nghĩ sao, trong quá khứ Như Lai có đắc
pháp nào với Dipankara* không?’ Subhuti thưa, ‘Bạch Thế Tôn, không. Như Lai
không có đắc pháp nào cả.’
Phật lại hỏi, ‘Vị bồ tát có nói rằng mình tạo nên phật trường
hài hoà không?’* Subhuti thưa, ‘Bạch Thế Tôn, vị bồ tát không nói rằng mình tạo
nên phật trường hài hoà. Tại sao vậy? Vì Như Lai đã dạy rằng các phật trường
hài hoà là không hài hoà, vậy mới gọi là những phật trường hài hoà.’
Phật bảo, ‘Subhuti, ông tưởng tượng có một người đàn ông và
một người đàn bà đem bố thí tất cả tài sản của họ, nhiều như cát sông Hằng, và
một người khác trích một đoạn bốn câu nói về pháp của Kinh này, đem giảng cho
nhiều người được hiểu. Do việc này, công đức của người sau sẽ nhiều vô lượng vô
biên so với người trước.’
Khi ấy, tôn giả Subhuti xúc động rơi nước mắt, bạch Phật rằng,
‘Bạch Thế Tôn, thật là huyền diệu, vô cùng huyền diệu, cách thức Như Lai giảng
dạy nghĩa lí cao siêu tuyệt vời của Kinh này! Nhờ vậy, tôi đã hiểu và đó không
phải là một cảm nhận. Tại sao vậy? Bởi vì các Đức Phật, những vị toàn giác, đã
buông bỏ tất cả mọi cảm nhận.’
Phật nói, ‘Đúng vậy, Subhuti! Nếu có người nào nghe kinh này
mà không nghi ngờ, không sợ hãi, không kinh khiếp, thì người này sẽ được phước
đức vô lượng, là người thật hi hữu. Còn nữa, Subhuti, sự nhẫn nhục hoàn toàn của
Như Lai thực ra không phải là hoàn toàn. Tại sao vậy? Bởi vì, Subhuti, trong một
kiếp trước của ta, khi vua Kalinga xẻo thịt tay chân ta, lúc ấy ta không cảm nhận
về cái ta, về con người, về linh hồn, về mạng sống. Tại sao vậy? Bởi vì,
Subhuti, nếu lúc ấy ta có cảm nhận về cái ta, thì đồng thời ta cũng đã có cảm
nhận về sự oán hận.’
‘Và còn nữa, Subhuti, chính vì lợi ích của tất cả chúng sinh
mà vị bồ tát phải bố thí như thế. Tại sao vậy? Bởi vì, Subhuti, sự cảm nhận của
một con người, đơn giản là sự không cảm nhận. Tất cả chúng sinh mà Như Lai đã
nói đến, thực ra chẳng có chúng sinh nào. Tại sao vậy? Bởi vì tất cả những gì
có hình tướng đều là giả. Như Lai nói đúng sự thật, không có gì khác hơn. Như
Lai không nói sai.’
‘Subhuti, Như Lai đồng nghĩa với phản ánh như thế.’
Phật hỏi, ‘Subhuti, ông nghĩ sao, trong quá khứ Như Lai có đắc
pháp nào với Dipankara không?’ Subhuti thưa, ‘Bạch Thế Tôn, không. Như Lai
không có đắc pháp nào cả.’
Dipankara là vị cổ Phật. Trong một kiếp trước, khi chưa chứng
ngộ, Gautama có đến gặp Dipankara. Ông ấy muốn được nhận làm đệ tử, nhưng
Dipankara cười và nói, "Chẳng có gì để học cả."
Chân lí không thể được học. Vâng, cái gì đó cần phải được hiểu,
nhưng không có gì được học cả. Chân lí phải được nhìn nhận. Nó đã sẵn có trong
bản thể bạn; nó phải được phát hiện ra. Nhưng chẳng có gì để học cả.
Chân lí không mới, chân lí là chính bản thể của bạn. Bạn phải
trở nên nhận biết. Không phải là bạn phải trở nên nhiều tri thức hơn; thực tế bạn
càng nhiều tri thức thì bạn sẽ càng ít nhận biết. Bạn càng tưởng mình biết nhiều,
thì bạn càng bị ngu dốt bao bọc lấy.
Tri thức là ngu dốt. Người biết nhiều bị ngập trong những
đám mây đen tối của kí ức, thông tin, kinh sách, triết lí.
Dipankara nói với Gautama, "Ông không cần phải nghĩ dưới
dạng học. Chân lí đã có sẵn ở ông. Chân lí không thể được truyền trao."
Không chỉ có thế, khi Gautama cúi chạm chân Dipankara thì Dipankara cúi xuống
và chạm chân Gautama. Gautama chưa chứng ngộ trong những ngày đó. Gautama rất
ngạc nhiên và bối rối.
Tất cả các tu sĩ có mặt ở đó không thể hiểu được việc gì
đang xảy ra. Dipankara chưa bao giờ làm như thế với một ai. Và Gautama hỏi,
"Ngài làm gì vậy? Sao ngài lại chạm chân con? Con là kẻ có tội, kẻ ngu dốt.
Mọi người chạm chân ngài là phải, nhưng mà ngài lại chạm chân con thì thật ngớ
ngẩn. Ngài có điên không?"
Dipankara lại cười và nói, "Không, Gautama, ông phân
vân vì ông không biết tương lai của ông. Ta không điên đâu. Ta có thể thấy điều
ấy xảy ra - chẳng bao lâu nữa ông sẽ thành phật. Ta chạm chân ông để tỏ ý kính
trọng sự kiện ấy. Và hơn nữa, dưới con mắt của người đã chứng ngộ thì ai cũng
chứng ngộ cả. Vấn đề chỉ là thời gian. Điều đó không thành vấn đề mấy. Ngày nay
ta chứng ngộ, ngày mai ông chứng ngộ, ngày mốt người khác sẽ chứng ngộ: điều đó
không thành vấn đề. Chứng ngộ sẽ đến với mỗi người, với mỗi sinh linh. Ông có
thể cứ lần lữa, đó là việc của ông. Khoảnh khắc ông chấm dứt lần lữa, khoảng khắc
ông chấp dứt trì hoãn, nó có đấy. Nó bao giờ cũng chờ đợi để ông nhận ra
nó."
Câu chuyện Dipankara chạm chân Gautama ấy là một trong những
chuyện hay nhất. Gautama là một kẻ vô danh. Sau nhiều thế kỉ, gần ba nghìn năm
sau, Gautama trở nên chứng ngộ. Lúc ấy, việc đầu tiên ông ấy làm, là quì xuống
trước Dipankara. Thế nhưng không còn Dipankara nữa; nhưng Gautama cúi lạy, cười
và nói, "Bây giờ ta hiểu tại sao ông ấy chạm chân ta! Hôm nay ta có thể chạm
chân tất cả mọi người. Bây giờ ta biết rằng toàn bộ sự tồn tại đều sẽ chứng ngộ."
Chứng ngộ là việc xảy ra tự nhiên. Nếu chúng ta không ngăn
trở nó, nó nhất định sẽ xảy ra. Không phải là bạn phải đạt tới nó; mọi điều bạn
phải làm là đừng cản trở nó. Bạn ngăn cản nó bằng cả nghìn lẻ một cách. Bạn
không cho phép nó xảy ra. Khi nó bắt đầu xảy ra, bạn sợ hãi. Khi nó xâm chiếm bạn,
bạn không thể cho nó xâm chiếm - bạn co lại, bạn rút lui. Bạn chui vào cái xà
lim tí xíu của bản ngã. Ở đó bạn cảm thấy được che chở, bảo vệ và an toàn.
Chứng ngộ là bầu trời rộng mở của bất an. Nó bao la, nó là đại
dương chưa khám phá. Cuộc hành trình là từ cái chưa biết này sang cái chưa biết
khác. Chẳng cái gì có thể được biết. Tri thức, chính ý niệm về tri thức, là một
phần xuẩn ngốc của loài người. Cuộc sống là điều bí ẩn đến mức nó không thể nào
được biết. Và nếu nó không thể nào được biết thì làm sao nó có thể được dạy? Và
nếu như không thể dạy được, thì thầy và đệ tử phỏng có ích gì?
Mới cách đây vài ngày đã có một câu hỏi, "Tại sao thầy
lại tự xưng là Osho?" Đây là vở kịch. Tôi đã quyết định đóng vai Osho còn
các bạn đã quyết định đóng vai đệ tử - nhưng đây là kịch. Cái ngày bạn trở nên
nhận biết, bạn sẽ biết không có thầy, cũng chẳng có đệ tử. Ngày đó bạn sẽ hiểu,
bạn sẽ biết rằng đó là giấc mơ - nhưng giấc mơ có thể giúp bạn thoát ra khỏi tất
cả các giấc mơ khác của bạn; một cái gai có thể dùng để nhể các gai khác ra khỏi
da thịt bạn. Nó có thể là một công cụ - nhưng dù sao cũng là một cái gai. Một độc
dược có thể giúp bạn loại trừ các chất độc khác - nhưng cũng vẫn là một thứ thuốc
độc. Sử dụng nó như chiếc đò để qua sông đi. Đó là lí do tại sao tôi nói nó là
vở kịch.
Việc bạn là đệ tử và việc tôi là thầy là đóng kịch. Đóng kịch
thật hay hết sức vào. Tôi biết, với các bạn, nó là thực tại; với tôi, nó là vở
kịch. Từ phía bạn nó là thực tại lớn, từ phía tôi nó là trò chơi. Rồi ngày nào
đó, bạn cũng sẽ hiểu rằng đây là trò chơi. Ngày ấy sẽ là ngày chứng ngộ của bạn.
Khi chạm chân Gautama, Dipankara chỉ muốn nói đây là trò
chơi. Bạn chạm chân tôi hay tôi chạm chân bạn - chẳng có gì khác nhau cả. Tất cả
chúng ta đều chứng ngộ, tất cả chúng ta đều là thượng đế. Không phải là tôi là
thượng đế còn bạn thì không là thượng đế - tất cả đều là điều thiêng liêng. Cây
cỏ là thượng đế, loài vật cũng vậy, mọi thứ cũng vậy, ngay cả đất đá!
Thượng đế đang ngủ say trong đất đá. Ngài đã trở nên tỉnh
táo một chút nơi cây cỏ, một chút tỉnh táo hơn nữa ở loài vật, một chút tỉnh
táo hơn nữa trong bạn. Trong vị phật, ngài đạt tới tỉnh táo hoàn hảo, tuyệt đối.
Nhưng khác biệt không ở chất, mà ở lượng. Và nếu bạn là nhận biết này, thì bạn
cũng có thể trở thành nhận biết kia nữa.
Phật nói:
Phật hỏi,
‘Subhuti, ông nghĩ sao, trong quá khứ Như Lai có đắc pháp
nào với Dipankara không?’
Ông ấy đang hỏi, "Ta có học được điều gì ở Dipankara
không?" Chẳng có gì để học cả. Chân lí là sự kiện cho sẵn. Bất kì cái gì bạn
học đều sẽ là dối trá. Chân lí không cần được học. Chân lí không phải được bịa
ra mà chỉ được phát hiện ra, hay nói đúng hơn, nó chỉ được phát hiện lại.
Và chữ ‘học’ là nguy hiểm. Học là tích luỹ thông tin. Bạn
càng tích luỹ nhiều thông tin, thực tại của bạn càng đi sâu vào vô ý thức. Bạn
tự đè nặng mình, và bạn bị nặng trĩu trên đầu. Đầu bạn âm vang những tri thức,
đầy ắp tiếng ồn và thế thì bạn không thể nghe được tiếng nói nhỏ bé tĩnh lặng của
trái tim bạn. Cái im lặng đó bị mất hút trong ồn ào của tri thức.
Đó là lí do tại sao mà thậm chí những tội nhân cũng đạt tới
chứng ngộ trong khi những học giả lại bị lỡ - bởi vì tội nhân có thể khiêm tốn,
nhưng học giả không thể khiêm tốn được. Tội nhân có thể kêu khóc; còn học giả
thì biết. Ông ta sắt đá trong tri thức, ông ta đầy bản ngã trong tri thức của
mình. Ông ta cứng rắn, ông ta không thể mềm ra được. Ông ta không cởi mở, ông
ta đóng kín. Tất cả các cửa chính và cửa sổ của ông ấy đều bị khoá chặt bởi tri
thức và những kinh sách mà ông ta đã tích luỹ.
Đạt đến chân lí là buông bỏ học vấn, chứ không phải là học
thêm. Bạn phải buông bỏ những gì bạn đã biết. Đấy không phải là trở thành, mà để
trở về nơi bạn xuất phát, đấy không phải là việc học mà là việc buông bỏ học vấn.
Buông bỏ là cách duy nhất. Nếu bạn có thể không trở thành, thế thì bạn sẽ có khả
năng trở thành. Nếu bạn có khả năng buông bỏ, nếu bạn có thể vứt bỏ tri thức một
cách hoàn toàn, vô điều kiện, toàn bộ, và không bám víu vào bất cứ thứ gì, bạn
sẽ trở nên hồn nhiên - và hồn nhiên đó sẽ đem bạn về nhà.
Subhuti thưa, ‘Bạch Thế Tôn, không. Như Lai không có học được
điều gì cả.’
Cái gì đã được truyền giữa thầy và đệ tử? Không phải chân
lí, không phải tri thức - thế thì cái gì được truyền? Trên thực tế, chẳng cái
gì được truyền cả. Với hiện diện của thầy, cái gì đó xuất hiện nơi sâu thẳm của
bản thể đệ tử, nhưng không phải cái đó được truyền trao. Không cái gì lưu chuyển
từ thầy qua đệ tử cả, không cái gì hết cả, nhưng sự hiện diện của thầy, chính sự
hiện diện của thầy cũng đủ để cái gì đó trong thâm tâm bắt đầu nổi lên bề mặt.
Sự hiện diện của thầy thức tỉnh bản thể của đệ tử. Không phải cái gì đó đã được
truyền hay trao, chính sự hiện diện của thầy trở thành hiện diện của chất xúc
tác, và đệ tử bắt đầu thay đổi.
Dĩ nhiên, đệ tử sẽ nghĩ rằng thầy đã làm điều gì đó. Chẳng
cái gì được làm cả. Không thầy thực nào đã bao giờ làm gì. Tất cả mọi việc làm
của thầy chỉ là hiện diện với bạn, có sẵn cho bạn. Tất cả công việc của thầy chỉ
gồm một điều đơn giản - rằng thầy phải có đấy, như mặt trời.
Mặt trời mọc buổi sáng, các nụ hoa nở ra và trở thành những
bông hoa. Không phải là mặt trời cho chúng cái gì đó, không phải là mặt trời đến
và mở nụ ra. Mặt trời chẳng làm gì cả; chỉ hiện diện của ánh sáng và nụ bắt đầu
mở ra. Việc mở nụ xảy ra từ bản thân nụ hoa... và việc nở hoa cùng hương thơm -
tất cả chúng đến từ bản thân nụ hoa. Mặt trời chẳng thêm cái gì vào nó, nhưng
hiện diện của nó là chất xúc tác. Không có hiện diện của mặt trời, nụ hoa sẽ thấy
gần như không thể nào mở ra được. Nó sẽ không biết rằng việc nở là có thể. Nó sẽ
chẳng bao giờ trở nên tỉnh táo về những khả năng và tiềm năng của mình.
Thầy đơn giản làm cho bạn nhận biết về tiềm năng của mình. Nếu
thầy đã chứng ngộ, thì bạn cũng có thể. Thầy hệt như bạn - cũng máu và xương và
thân thể. Thầy hệt như bạn. Nếu cái gì đó là có thể trong bản thể thầy, nếu cái
nụ của thầy có thể trở thành hoa, thì sao bạn không thể trở thành như thế được?
Chính ý nghĩ này thấm sâu vào trong lòng, khuấy trộn toàn bộ bản thể bạn, và
các năng lượng trong bạn trỗi dậy, nụ của bạn bắt đầu mở ra.
Điều này được gọi là satsang ở phương Đông - ở trong hiện diện
của thầy. Và đệ tử thực là người đã đi tới biết cách hiện diện trước thầy. Thầy
đang hiện diện, nhưng làm sao hiện diện được trước thầy?
Bạn có thấy hoa hướng dương không? Đó là biểu tượng cho đệ tử.
Hoa hướng dương luôn xoay về hướng mặt trời, dù mặt trời ở đâu; hoa hướng dương
di chuyển theo cách đó. Nó bao giờ cũng hiện diện với mặt trời. Buổi sáng nó
quay mặt về hướng đông, buổi chiều nó quay mặt về hướng tây. Nó di chuyển theo
mặt trời. Dù mặt trời ở đâu, hoa hướng dương cũng chuyển theo đó. Hoa hướng
dương là biểu tượng, biểu dụ cho đệ tử.
Phật hỏi, "Subhuti, ông có nghĩ rằng ta học được điều
gì ở Dipankara không?" Subhuti thưa, "Bạch Thế Tôn, Không" - bởi
vì chẳng có gì để học cả. Phải chăng điều này có nghĩa là Phật không biết ơn
Dipankara? Không, hoàn toàn không. Khi ông ấy trở nên chứng ngộ, lòng biết ơn đầu
tiên là hướng về Dipankara, người đã biến mất vào vô cùng từ lâu lắm rồi, chẳng
để lại dấu vết gì đằng sau. Ông ấy chỉ còn đọng lại trong kí ức của Phật, không
ở nơi nào khác.
Không một kinh sách nào nói về Dipankara cả. Có thể vào thời
đại của ông ấy kinh sách còn chưa được viết ra. Không có tham khảo nào khác về
ngài. Phật là nguồn tham khảo duy nhất. Ba nghìn năm đã trôi qua, chẳng ai biết
gì về Dipankara; nhưng khi Phật chứng ngộ, lòng biết ơn đầu tiên, cám ơn đầu
tiên là hướng về Dipankara. Tại sao? Bởi vì chính trước sự hiện diện của
Dipankara mà niềm khao khát thành phật của Gautama đã trở thành đam mê. Chính với
sự hiện diện của Dipankara mà ham muốn vĩ đại trở thành phật đã nảy sinh. Chính
với sự hiện diện của Dipankara mà chiếc nụ của Gautama bắt đầu mơ trở thành
hoa. Chính với sự hiện diện của Dipankara mà giấc mơ ấy đã hiển lộ ra. Phải mất
ba nghìn năm để xoá bỏ mọi cản trở, mọi chướng ngại, nhưng ba nghìn năm có
nghĩa gì trong vĩnh hằng của thời gian? Chẳng là gì cả... chỉ là vài khoảnh khắc.
Tại sao Phật lại hỏi Subhuti? Để cho Subhuti có thể hiểu rằng
chẳng có gì mà học từ Phật cả. Bản thân Phật đã không học gì ở Dipankara, cho
nên, "Subhuti, chẳng có gì để học ở ta cả. Ở đây với ta. Đừng nghĩ đến học.
Khoảnh khắc ông nghĩ đến việc học, ông lại không cùng ta rồi."
Đây đó có hai loại người: đệ tử và học viên. Học viên là những
người đang tìm kiếm học hỏi cái gì đó. Họ ở đây để thu nhặt cái gì đó sao cho họ
có thể khoe khoang và nói rằng họ biết điều này họ biết điều nọ. Họ chỉ làm
công việc nhặt nhạnh những viên đá cuội đủ mầu sắc, trong khi dưới chân họ là
những viên kim cương.
Đệ tử là người không ham mê tri thức, người chỉ quan tâm tới
bản thể, người chỉ quan tâm tới việc ở đây với tôi, không vì lí do nào khác,
không vì động cơ nào khác. Trái tim người đó đã xúc động, giấc mơ của người đó
bắt đầu được hiển lộ, mong ước mãnh liệt lớn lao đang dâng lên trong người đó.
Vừa tối hôm trước, Saroj đã ở đây và cô ấy nói rằng cô ấy rất
sợ chết. Tôi đã hỏi cô ấy, "Tại sao? Tại sao bạn sợ đến thế?" Câu trả
lời của cô ấy thật tuyệt vời. Cô ấy nói, "Không phải tôi sợ chết, thưa
Osho, nhưng bởi vì tôi còn chưa biết gì, tôi chưa hiểu ra được gì. Tôi chưa cảm
được gì. Tôi sợ tôi có thể chết mà không biết chân lí. Đó là nỗi sợ của
tôi."
Đệ tử là người đã trở nên quan tâm mãnh liệt tới bản thể - đến
bản thân chân lí, không phải việc biết về nó. Cô ấy không sợ chết, cô ấy sợ rằng
cái chết đến làm xáo trộn thân thiết đang nẩy nở giữa cô ấy và tôi. Cái chết có
thể tới và có thể ngắt mất sự hiện diện mà cô ấy đang tận hưởng, sự hiện diện này
xâm nhập bản thể cô ấy và làm biến đổi cả nghìn lẻ một thứ trong linh hồn cô ấy
- đó là nỗi sợ.
Đệ tử là người không bận tâm đến việc biết nhưng quan tâm đến
việc hiện hữu. Không phải là người đó muốn biết điều gì đó về Thượng đế, mà là
người đó muốn nếm trải Thượng đế, muốn uống tại nguồn gọi là Thượng đế, muốn trở
thành một phần của năng lượng đại dương ấy.
Nhớ lấy, nếu bạn là học viên ở đây, thì bạn không khôn ngoan
lắm đâu. Là học viên ở đây là không thông minh. Nơi này không phải là trường học.
Cuộc sống có sẵn ở đây - nhưng bạn phải là đệ tử. Là đệ tử nghĩa là có đủ can đảm
để lại gần thầy, bằng bất cứ giá nào. Đệ tử nghĩa là người có thể chấp nhận
nguy cơ lại gần thầy. Thật quả là nguy cơ - nguy cơ vì bạn sẽ chết. Nụ hoa phải
chết đi chỉ thế thì hoa mới có thể tới. Hạt mầm phải chết đi, chỉ thế thì cây mới
có thể mọc lên. Bạn phải chết đi, chỉ thế thì điều thiêng liêng mới có thể nở
hoa nơi bạn.
Phật hỏi,
‘Subhuti, ông nghĩ sao, trong quá khứ Như Lai có đắc pháp
nào với Dipankara không?’
Một người tìm kiếm lớn đã viết: "Tôi đã đi gặp các hiền
nhân để tìm những câu trả lời. Có nhiều hiền nhân, mỗi người đều có câu trả lời
riêng của mình. Chính vì vậy mà tôi biết ngay là họ đã phản bội lại chính mình.
Tuy nhiên, tôi cũng đã gặp một vài người khác hẳn, một hay hai người thôi, họ
ngồi với sự sinh động chân thành, họ mỉm cười trước những câu hỏi của tôi, và
khi tôi nài nỉ để được câu trả lời thì họ lại hỏi tôi rất nhiều câu hỏi.
"Ngồi với họ, nhiều lúc tôi quên tất cả về khôn ngoan
và tôi cười một cách vô tư mà chỉ người điên hay trẻ con mới có thể thế. Tôi chẳng
nhận được câu trả lời nào từ các hiền nhân chân chính. Chính cái thiếu khôn
ngoan đã gửi tôi tới hiền nhân. Vậy thì làm sao tôi có thể hiểu được điều gì là
trí huệ, thậm chí khi điều ấy có thể nói ra được, hay đã được nói ra? Những hiền
nhân thực sự thì quá thực thà không đưa ra những câu trả lời trí huệ."
Hiền nhân thực trao cho bạn bản thể của ông ấy, trao bản
thân ông ấy. Hiền nhân thực đơn giản làm cho ông ấy thành có sẵn cho bạn và nếu
bạn can đảm, bạn có thể uống và ăn bản thể ông ta. Đó chính là điều Jesus ngụ ý
khi ông ấy nói với các đệ tử: "Ăn ta đi, uống ta đi!" Thầy phải bị
ăn. Thầy phải bị hấp thu, bị tiêu hoá, chỉ thế thì bạn mới vớ được chân lí của
riêng mình. Chẳng có gì để học cả - chẳng có pháp để học, chẳng có học thuyết để
học, chẳng có triết lí để học.
Phật nói tiếp, ‘Nếu vị bồ tát nói rằng mình tạo nên phật trường
hài hoà, thì vị ấy nói sai. Tại sao vậy?
Vì Như Lai đã dạy rằng các phật trường hài hoà là không hài
hoà, vậy mới gọi là phật trường hài hoà.’
Từ ‘phật trường’ có tầm quan trọng mênh mông. Bạn phải hiểu
nó, vì đó là những gì tôi đang làm ở đây - tạo ra phật trường. Chính để tạo ra
phật trường mà chúng ta đang đi, xa khỏi thế giới này, xa hẳn, để cho một loại
năng lượng hoàn toàn khác có thể được làm thành có sẵn cho bạn.
Phật trường nghĩa là một tình huống nơi vị phật đang ngủ của
bạn có thể được đánh thức dậy. Phật trường nghĩa là trường năng lượng nơi bạn
có thể bắt đầu trưởng thành, chín muồi, nơi giấc ngủ của bạn có thể bị phá vỡ,
nơi mà bạn có thể được gây sốc để trở nên nhận biết; một trường điện từ tại đó
bạn sẽ không thể nào rơi vào giấc ngủ, nơi bạn sẽ phải thức tỉnh, bởi vì luôn
luôn có những cú sốc được tạo ra mọi lúc.
Phật trường là trường năng lượng trong đó vị phật làm cho
các sinh linh thành chín muồi, mảnh đất thuần khiết, thế giới phi phàm, thiên
đường trên trái đất, nơi hội tụ những điều kiện lí tưởng cho trưởng thành tâm
linh nhanh chóng. Phật trường là bụng mẹ (matrix).
Từ ‘matrix’ có nguồn gốc la tinh. Nó có nghĩa là bụng mẹ. Từ
chữ đó chúng ta có các từ ‘matter’ (vật chất), mother (mẹ) v.v.. Bụng mẹ cung cấp
ba điều kiện cho cuộc sống mới được hình thành: nguồn các khả năng, nguồn năng
lượng để khám phá các khả năng ấy, và nơi an toàn mà trong đó cuộc thám hiểm có
thể xảy ra.
Đó là điều chúng ta đang dự định làm. Công xã mới ở đây sẽ
là một thực nghiệm lớn về phật tính. Các năng lượng phải có sẵn cho bạn, các khả
năng phải được làm rõ cho bạn. Bạn phải được làm cho nhận biết về tiềm năng của
mình, và bạn phải được cung cấp một nơi an toàn để bạn có thể làm việc - nơi mà
bạn không bị phân tán bởi thế gian, nơi để bạn tiếp tục gắng sức mà không bị
người đời quấy rầy, nơi mà chỉ một điều là có ý nghĩa: cách trở thành vị phật...
Nơi mà mọi cái khác đơn giản biến mất khỏi tâm trí bạn - tiền bạc, quyền lực,
danh vọng; nơi mà tất cả những cái khác trở thành vô nghĩa, khi tất cả những
cái khác trở thành đúng thực chất của nó - thế giới bóng hình - và bạn không
còn bị mất hút trong những hình thức bề ngoài.
Maya thường lẩn trong hình tướng bên ngoài. Đó là ảo tưởng lớn
nhất trong thế gian. Hình tướng đó nắm giữ quyền thống trị lên tâm trí chúng
ta. Phật trường là nơi bạn được đem xa khỏi các hình tướng đó. Trong im lặng của
công xã, trong bầu không khí không có xáo trộn, không có những điều cấm kị, thầy
và đệ tử có thể đóng kịch một cách trọn vẹn. Điều tối thượng là lúc thầy có thể
chạm chân đệ tử, lúc cả thầy và đệ tử đều mất hút vào trong cùng một thực tại.
Phật nói tiếp,
‘Nếu vị bồ tát nói rằng mình tạo nên phật trường hài hoà,
thì vị ấy nói sai. Tại sao vậy?
Vì Như Lai đã dạy rằng các phật trường hài hoà là không hài
hoà, vậy mới gọi là phật trường hài hoà.’
Bây giờ hãy hiểu: nếu ai đó nói, "Tôi sẽ tạo ra phật
trường," và việc nhấn mạnh là vào cái ‘tôi’, thế thì phát biểu ấy là giả,
vì một người mà cái ‘tôi’ vẫn sống thì không thể tạo ra được phật trường. Chỉ
người nào không còn cái ‘tôi’ bên trong mới có thể tạo ra phật trường. Trên thực
tế, nói người đó tạo ra thì cũng không phải; ngôn ngữ là không thích hợp.
Từ tiếng Phạn cho việc sáng tạo có nghĩa tốt hơn nhiều. Từ
tiếng Phạn là nirpadayati. Nó có nhiều nghĩa. Nó có thể nghĩa là sáng tạo, nó
có thể nghĩa là hoàn thành, nó có thể nghĩa là chín muồi, nó có thể có nghĩa là
chín chắn, nó có thể đơn giản nghĩa là làm phát khởi điều đó trong sự tồn tại.
Đó là nghĩa đúng của từ này.
Vị Phật không tạo ra, ông ấy chỉ phát khởi. Ngay cả nói rằng
ông ấy phát khởi vẫn chưa hay; trong hiện diện của ông ấy, mọi sự xảy ra, trong
hiện diện của ông ấy, mọi thứ phát khởi, các tiến trình bắt đầu. Chỉ hiện diện
của ông ấy là ngọn lửa, tia lửa, và mọi việc bắt đầu chuyển động, việc này kéo
theo việc kia, và một dây chuyền lớn được tạo ra.
Đó là cách chúng ta đang làm ở đây. Tôi đơn giản ngồi trong
phòng mình chẳng làm gì cả, và những người tìm kiếm chân lí từ khắp nơi trên thế
giới đã bắt đầu đổ dồn về đây. Thậm chí tôi cũng chẳng viết bức thư nào... chỉ
hiện diện. Người này đến, rồi người khác đến, thế là tạo thành một chuỗi. Thời
điểm đã đến lúc cần phải có một phật trường, cần phải có một bụng mẹ, bởi vì bạn
không biết đấy thôi - hàng nghìn người khác đang trên đường rồi. Họ đã đi, họ
đã nghĩ tới việc đến.
Càng nhiều người có đó, phật trường sẽ có đó càng lớn, và nó
sẽ càng mạnh. Có khả năng là chúng ta có thể tạo ra một trong những phật trường
lớn nhất và mạnh nhất, mà thế giới chưa từng biết đến, bởi vì cho đến ngày nay
chưa bao giờ loài người lại tìm kiếm ráo riết như thế, bởi vì cho đến ngày nay
chưa bao giờ loài người đứng trước cuộc khủng hoảng như vậy.
Chúng ta đang đứng ở ngưỡng của cái gì đó mới sắp xảy ra cho
nhân loại. Hoặc là nhân loại sẽ chết và biến mất, hoặc là chúng ta sẽ lấy bước
nhảy, cú nhảy và con người mới sẽ được hình thành. Chúng ta đang ở đúng vào thời
điểm cách đây hàng triệu năm, khi các loài khỉ, vượn từ trên cây xuống mặt đất
sinh sống và loài người được hình thành và con người mới được sinh ra. Lần nữa
thời điểm ấy lại đang đến rất gần. Nó là khoảnh khắc rất nguy hiểm, vì có mọi
khả năng...
Có thể là khỉ không thể sống sót trên mặt đất, nó có thể chết
trên mặt đất, nhưng vài con khỉ đã chấp nhận nguy cơ. Và chúng phải đã bị bọn
khỉ khác cho là điên khùng - hừ? - vì từ trước chúng vẫn sống trên cây và cảm
thấy hoàn toàn hạnh phúc. Đồng loại của chúng bảo, "Chúng mày sắp điên rồi,
dại quá. Tại sao chúng mày lại định xuống ở mặt đất? Tại sao lại tự gây phiền
phức không cần thiết cho mình? Bố mẹ chúng ta, ông bà, cụ kị chúng ta, tất cả đều
chẳng đã sống trên cây đấy sao?"
Lần nữa tình huống như thế lại sắp xảy ra. Đã lâu rồi, con
người không thay đổi cách sống. Một bước nhảy lượng tử quyết định có thể xảy ra
ở cuối thế kỉ này. Hoặc con người sẽ chết trong cuộc chiến thế giới thứ ba, hoặc
con người sẽ lấy bước nhảy và trở thành con người mới. Trước khi điều đó xảy
ra, cần phải có một phật trường vĩ đại - một trường ở đó chúng ta có thể tạo dựng
tương lai.
Nhưng bồ tát không thể nói, "Tôi sẽ tạo ra những phật
trường hài hoà." Nếu nhấn mạnh là vào cái ‘tôi’, thì có nghĩa là người đó
chưa phải là bồ tát. Ngay cả chư phật cũng dùng chữ ‘tôi’, nhưng các ông ấy
luôn luôn nhấn mạnh rằng nó không tương ứng với một thực tại nào, rằng nó chỉ
là việc dùng ngôn ngữ, rằng nó chỉ là một tiện dụng mà thôi.
Và Phật nói, "Các phật trường hài hoà ấy thậm chí là
không hài hoà." Tại sao? - bởi vì hài hoà ngụ ý rằng xung đột vẫn còn sống
động. Hài hoà nghĩa là những phần xung đột vẫn có đấy, nhưng không còn xung đột
nữa. Phật nói, hài hoà thực là khi nào các bộ phận xung đột đã tan biến vào
thành thể thống nhất. Nhưng thế thì bạn không thể gọi nó là hài hoà được nữa,
vì hài hoà bao hàm nhiều, hài hoà nghĩa là có nhiều mảnh trong một toàn thể hài
hoà. Phật nói, hài hoà thực là khi nhiều phần tử ấy không còn đó nữa; chúng đã
trở thành một.
Cho nên hài hoà, hài hoà thực sự, không thể thậm chí được gọi
là hài hoà. Hài hoà thực đơn giản là sự thống nhất. Không có xung đột, không có
va chạm, vì tất cả các mảnh tách biệt đã biến mất, đã tan biến.
Tại sao vậy?
Vì Như Lai đã dạy rằng các phật trường hài hoà là không hài
hoà, vậy mới gọi là những phật trường hài hoà.’
Nhớ lấy, đấy là vấn đề do dùng ngôn ngữ không thích hợp. Đó
là lí do tại sao Phật không ngừng nhấn mạnh để lưu ý bạn chớ có trở thành nạn
nhân của cách diễn đạt ngôn ngữ không thích hợp.
Phật nói:
‘Subhuti, ông tưởng tượng có một người đàn ông và một người
đàn bà đem bố thí tất cả tài sản của họ, nhiều như cát sông Hằng, và một người
khác trích một đoạn bốn câu nói về pháp của Kinh này, đem giảng cho nhiều người
được hiểu. Do việc này, công đức của người sau sẽ nhiều vô lượng vô biên so với
người trước.’
Tương truyền rằng tổ Huệ Năng, một trong những vị tổ thiền
tông vĩ đại nhất, vị tổ thứ sáu theo truyền thống thiền, nhờ nghe bốn câu trong
Kinh Kim Cương mà được chứng ngộ. Và ông ấy đi ngang qua chợ. Ông ấy đi mua bán
cái gì đó, ông ấy thậm chí chẳng nghĩ gì tới chứng ngộ cả, tại bên đường, một
người đang đọc Kinh Kim Cương. Người này đã để cả đời để đọc Kinh Kim Cương -
ông ấy chắc hẳn phải là một loại kẻ sĩ hay một con vẹt - và có tật sính đọc kinh
này đều đặn mỗi sáng, mỗi tối.
Trời xế chiều, chợ đã tan, mọi người về nhà mình còn Huệ
Năng thì đi qua đó. Ông ấy chỉ nghe thấy bốn dòng kinh. Ông ấy đứng lặng người.
Tương truyền ông ấy đứng đó cả đêm. Kinh Kim Cương đã hết, chợ vắng tanh, người
tụng kinh đã đi mất, mà Huệ Năng thì cứ đứng đó, đứng đó, đứng đó. Sáng hôm
sau, ông ấy đã là một người hoàn toàn khác. Ông ấy chẳng bao giờ về nhà nữa,
ông ấy đi vào núi. Thế giới trở thành chẳng còn liên quan nữa. Chỉ nghe thôi
sao? - vâng, điều ấy là có thể nếu bạn biết cách nghe. Huệ Năng là một người vô
cùng chất phác hồn nhiên. Đó là một con người tuyệt vời.
Phật nói rằng công đức của người giảng bốn câu trong Kinh
Kim Cương là vô lượng vô biên nhiều hơn so với công đức của một người đàn ông
hay đàn bà đem bố thí hết tất cả tài sản nhiều như cát sông Hằng.
Từ bỏ không ích gì, thấu hiểu mới có tác dụng. Từ bỏ thế
gian không dẫn bạn tới đâu cả; bạn phải hiểu biết. Từ bỏ là cố gắng ngu ngốc.
Chỉ những kẻ ngu ngốc mới đem đi cho sạch; hiền nhân tìm cách để thấu hiểu việc
gì đang xảy ra. Hiền nhân không bao giờ là kẻ trốn tránh. Chỉ những kẻ ngu mới
là kẻ trốn tránh, bởi vì họ không thể đối mặt với cuộc sống, họ không thể đương
đầu với cuộc sống, và họ không thể chấp nhận thách thức của nó. Họ không có đủ
gan dạ. Họ chạy lên Himalayas, họ trốn lên các tu viện Tây Tạng hay nơi nào đó
khác. Họ trốn thế gian. Đây là những kẻ hèn nhát.
Và tôn giáo là có thể chỉ nếu bạn có dũng cảm - cần tới can
đảm mênh mông.
Phật nói những câu kinh này vô cùng quí báu, đến mức nếu như
bạn thực sự lắng nghe một cách toàn bộ, với tấm lòng rộng mở, nếu như bạn nhạy
cảm với chúng, thì chúng có thể biến đổi cuộc đời của bạn. Đôi khi, chỉ một lời
cũng đủ sức mạnh để làm nên biến đổi này.
Tôi có nghe kể về một người, ông ấy phải cũng giống như Huệ
Năng. Ông ấy đã rất già, sáu mươi lăm hay bẩy mươi tuổi rồi. Một lần ông ấy đi
dạo buổi sáng, và một người đàn bà nào đó phải đã đánh thức con mình dậy, hay
ai đó khác, bên trong lều. Ông già đang trên đường và người đàn bà này nói,
"Dậy đi! Sáng rồi, đêm đã hết!"
Ông già nghe những lời ấy. Hừ? - đấy thậm chí chẳng phải là
Kinh Kim Cương, đấy chỉ là tiếng của một người đàn bà nói với ai đó, "Dậy
đi! Đủ rồi! Con đã ngủ lâu rồi. Đêm đã hết, mặt trời đã lên rồi, sáng rồi!"
và ông già đã nghe. Có lẽ ông ấy đang trong trạng thái tâm thức dễ tiếp nhận -
buổi sáng sớm, chim hót cùng mặt trời, gió mát - và những lời nói ấy chạm vào
tim ông ấy như một mũi tên: "Sáng rồi, con đã ngủ quá nhiều rồi, đêm đã hết
rồi!" Ông già không trở về nhà nữa. Ông ấy rời thành phố, ngồi thiền trong
một ngôi đền.
Nhiều người biết tin, gia đình ông ấy xô đến và họ hỏi,
"Ông làm gì ở đây?"
Ông ấy nói, "Sáng rồi, đêm đã hết, và tôi đã ngủ đủ rồi.
Thế là đủ! Tôi xin lỗi. Xin mọi người để tôi một mình. Tôi phải thức tỉnh. Cái
chết sắp tới - tôi phải thức tỉnh."
Và bất kì khi nào ông ấy đi qua cánh cửa của người đàn bà ấy
- ông ấy chưa bao giờ gặp người đàn bà ấy - ông ấy đều tới và cúi đầu trước cửa.
Đấy là ngôi đền của ông ấy và người đàn bà kia là thầy của ông ấy. Đó là một
người phụ nữ bình thường, ông ấy chưa gặp bao giờ.
Đôi khi, chỉ vài lời, thậm chí do những người bình thường thốt
ra, có thể rơi vào mảnh đất tốt là trái tim của bạn và chúng gây nên những biến
đổi thật lớn. Vậy còn nói gì đến những lời của vị phật?...
Khi ấy, tôn giả Subhuti xúc động rơi nước mắt,
bạch Phật rằng, ‘Bạch Thế Tôn, thật là huyền diệu, vô cùng
huyền diệu, hỡi Diệt Độ, cách thức Như Lai giảng dạy nghĩa lí cao siêu tuyệt vời
của Kinh này!
Nhờ vậy, tôi đã hiểu và đó không phải là một cảm nhận.
Tại sao vậy?
Bởi vì các vị phật, những vị toàn giác, đã buông bỏ tất cả mọi
cảm nhận.’
Rất hiếm khi một người với những phẩm chất như ông Subhuti lại
khóc hay rơi nước mắt. Nhưng khi lòng từ bi ấy, khi tình yêu bao la ấy từ Phật
đang mưa rào lên ông ấy, khi những lời như kim cương ấy đang trút lên ông ấy
như cơn mưa... ông ấy đã xúc động.
Khi ấy, tôn giả Subhuti xúc động rơi nước mắt,
Nhớ lấy, không còn gì sâu sắc hơn những giọt nước mắt để biểu
thị lòng biết ơn, không có gì cao hơn những giọt nước mắt để cầu nguyện. Mới
vài ngày trước đây, Geet Govind đã tới từ Esalen. Anh ta không thể nói với tôi
được một lời nào - chỉ nước mắt và nước mắt. Anh ta hơi xấu hổ. Anh ta muốn nói
một điều gì đó, nhưng chẳng nói được gì.
Những giọt nước mắt ấy thật đẹp. Từ khi trở về đây, anh ta cứ
khóc luôn. Trong cả hai hay ba tuần lễ anh ta ở đây, anh ta đã khóc, và anh ta
đã viết cho tôi: "Thưa Osho, làm thế nào đây? Làm sao hết khóc được? Nước
mắt cứ chảy mãi." Tác động... Anh ta đã tiếp xúc với tôi, do đó có nước mắt.
Anh ta đã thấy tôi, do đó có nước mắt. Đôi mắt anh ta tràn ngập lòng biết ơn,
do đó có nước mắt. Đôi mắt được mãn nguyện, do đó có nước mắt.
Bạn đừng bao giờ sợ khóc. Cái gọi là nền văn minh đã làm cho
bạn rất sợ khóc. Nó đã tạo ra một loại mặc cảm trong bạn. Khi nước mắt tới, bạn
cảm thấy bối rối. Bạn bắt đầu cảm thấy, "Người khác sẽ nghĩ gì đây? Mình
là đàn ông mà lại khóc à! Có vẻ đàn bà và trẻ con quá! Mình không nên
khóc." Và bạn dừng những giọt nước mắt đó - thế là bạn đã giết chết cái gì
đó đang lớn lên trong bạn.
Nước mắt vượt xa tất cả những gì tốt đẹp nhất mà bạn có được,
bởi vì chúng đến từ sự tràn ngập của bản thể bạn. Và nước mắt không nhất thiết
biểu hiện nỗi buồn; đôi khi chúng đến từ niềm vui lớn, đôi khi chúng đến từ an
bình sâu xa và đôi khi chúng đến từ cực lạc và tình yêu. Trên thực tế, chúng chẳng
liên quan gì tới nỗi buồn hay niềm hạnh phúc. Bất kì cái gì làm khuấy động trái
tim bạn quá nhiều, bất kì cái gì tràn ngập bạn, bao quanh bạn, chiếm hữu bạn, bất
kì cái gì quá nhiều, khiến bạn không chứa đựng được nữa và nó bắt đầu tràn ra -
điều đó đem lại nước mắt.
Vui vẻ chấp nhận chúng đi, thưởng thức chúng, nuôi dưỡng
chúng, chào đón chúng, và qua nước mắt bạn sẽ biết cách cầu nguyện. Qua nước mắt
bạn sẽ biết cách nhìn. Những đôi mắt tràn trề nước mắt có khả năng thấy được
chân lí. Những đôi mắt tràn trề nước mắt có khả năng thấy được vẻ đẹp cuộc đời
và những phúc lành của nó.
Khi ấy, tôn giả Subhuti xúc động rơi nước mắt, bạch Phật rằng,‘Bạch
Thế Tôn, thật là huyền diệu, vô cùng huyền diệu, hỡi Diệt Độ, cách thức Như Lai
giảng dạy nghĩa lí cao siêu tuyệt vời của Kinh này! Nhờ vậy, tôi đã hiểu...’
Subhuti nói, "Sự hiện diện của Thế Tôn, những lời tràn
đầy từ bi, tình yêu và ân huệ của thầy đã đem đến cho tôi trí huệ. Nó đã cho
tôi sáng suốt, tầm nhìn về chân lí là gì, và đó thực sự không phải là một cảm
nhận." Subhuti nói rõ thêm, "Nhưng tôi xin nhắc thầy, đó không phải
là cảm nhận, bởi vì không có người nào để cảm nhận cả. Đó là trí huệ thuần khiết."
Việc biết đã nảy sinh, nhưng không có người biết và không có
cái gì được biết cả; chỉ việc biết nảy sinh. Nó là việc biết thuần khiết. Không
có phân chia giữa người biết và cái được biết và việc biết. Nó chỉ là việc biết.
‘Tại sao vậy?
Bởi vì các Đức Phật, những vị toàn giác, đã buông bỏ tất cả
mọi cảm nhận.’
"Giờ đây tôi biết tại sao lại nói rằng chư Phật đã
buông bỏ hết thảy cảm nhận, bởi vì cảm nhận cần có người cảm nhận và cái được cảm
nhận, việc quan sát cần có người quan sát và cái được quan sát. Tất cả những cặp
nhị nguyên ấy đã bị vứt bỏ. Chỉ còn lại cái một."
Điều đó rất khó giải thích.
Những lời của Michael Adams sẽ giúp bạn,
"Cần tất cả những lời này để nói lên điều ấy, nhưng có
gì để nói? Tại đây và bây giờ, có cái gì? Gió thổi qua rặng cây; gió thổi và
cây oằn xuống. Ta đã nói quá nhiều. Giờ đây điều ấy thật buồn cười, vì chân lí
chỉ có một chữ. Cuộc sống là một từ; cái chết là một từ, hạnh phúc là một từ,
Thượng đế là một từ. Gió và cây, con chim cổ đỏ và con hải cẩu, em bé và mặt trời
là có thực. Cái còn lại chỉ là từ ngữ.
"Những từ ngữ mô tả mặt trời thậm chí còn không thực bằng
những cái bóng, và còn lạnh lẽo hơn nhiều. Mặt trời là gì, tâm trí ồn ào và
trái tim tham vọng không thể biết được, vì mặt trời thuộc loại khác, nó không
làm ồn và không ham muốn gì cả. Nhưng mặt đất yên tĩnh và lặng lẽ dường như có
thể hiểu được mà không cần một cố gắng nhỏ nào, nó biết mặt trời là gì. Dưới
cái vẻ bề ngoài như đã chết, dưới lớp tuyết phủ như tấm vải liệm, giữa mùa đông
rét buốt, mặt đất trống trải và yên tĩnh biết rõ mặt trời là gì."
Đệ tử phải giống như mảnh đất khô nẻ - đất khô nẻ biết rõ
đám mây là gì. Đệ tử phải giống như đất mong manh, cởi mở. Đất mong manh biết
rõ mặt trời là gì. Nó không thể nói điều đó, nó không thể diễn tả điều đó,
nhưng nó biết.
Đó là điều ông Subhuti muốn nói qua những lời này, "Trí
huệ đã nảy sinh trong tôi. Tôi không thể nói được, tôi không có đó để thâu tóm
nó, tôi không có đó để nắm bắt nó, tôi chỉ là trống rỗng - nhưng cảm nhận đã nảy
sinh, trí huệ đã nảy sinh, darshan đã nảy sinh. Tôi đã thấy nhưng chẳng có người
thấy."
Phật nói:
‘Đúng vậy, Subhuti! Nếu có người nào nghe kinh này mà không
nghi ngờ, không sợ hãi, không kinh khiếp...
Những lời kinh này giống như cái chết, như đóng đinh lên cây
thập tự - bạn sẽ phải chết đi. Chỉ qua chết thì bạn mới hiểu sống là gì. Phục
sinh là có thể nhưng chỉ sau khi bị đóng đinh lên cây thập tự. Chính vì vậy Phật
đã nói kinh này là nguy hiểm, và
Nếu có người nào nghe kinh này mà không nghi ngờ, không sợ
hãi, không kinh khiếp, thì người này sẽ được phước đức vô lượng, là người thật
hi hữu.
Còn nữa, Subhuti, sự nhẫn nhục hoàn toàn của Như Lai thực ra
không phải là hoàn toàn.
Tại sao vậy? Bởi vì, Subhuti, trong một kiếp trước của ta,
khi vua Kalinga xẻo thịt tay chân ta, lúc ấy ta không cảm nhận về cái ta, về
con người, về linh hồn, về mạng sống. Tại sao vậy? Bởi vì, Subhuti, nếu lúc ấy
ta có cảm nhận về cái ta, thì đồng thời ta cũng đã có cảm nhận về sự oán hận.’
Phật nhắc lại cho Subhuti một cực hình ông ấy đã chịu đựng
trong một kiếp trước, khi vua Kalinga đã cho chặt tay chân ông ấy. Phật nói,
"Khi tay chân ta bị chặt, lưỡi ta bị cắt, mắt ta bị móc ra, ta vẫn quan
sát và không thấy trong ta xuất hiện cái ‘tôi’ nào. Chẳng có ai để trông thấy,
chẳng có ai để đau đớn về việc ấy. Nếu có một cảm nhận về cái ‘tôi’ xảy ra lúc ấy,
có thể sẽ kèm theo oán giận. Thế thì ta sẽ tức giận ông vua đã giết ta và huỷ
hoại ta, tuy nhiên ta đã không tức giận. Đã không có nổi giận."
Bản ngã đem đến giận dữ. Giận dữ là cái bóng của bản ngã. Bản
ngã đem đến hung hăng, bạo hành. Một khi bản ngã biến mất, mọi bạo hành cũng biến
mất. Một người trở thành tình yêu chỉ khi bản ngã đã hoàn toàn biến mất.
‘Và còn nữa, Subhuti, chính vì lợi ích của tất cả chúng sinh
mà vị bồ tát phải bố thí như thế.
Tại sao vậy?
Bởi vì, Subhuti, sự cảm nhận của một con người, đơn giản là
sự không cảm nhận.
Tất cả chúng sinh mà Như Lai đã nói đến, thực ra chẳng có
chúng sinh nào.
Tại sao vậy? Bởi vì tất cả những gì có hình tướng đều là giả.
Như Lai nói đúng sự thật, không có gì khác hơn. Như Lai
không nói sai.’
‘Subhuti, Như Lai đồng nghĩa với phản ánh như thế.’
Phật nói, "Ta chỉ nói những gì có đó - yatha bhutam. Ta
không nói gì khác. Đó là lí do tại sao những tuyên bố của ta thật ngược đời, thật
phi logic, bởi vì chân lí là phi logic. Muốn hiểu chân lí, các ông phải buông bỏ
logic."