Osho – Đức Phật và Phật Pháp
Phần 2. Cuộc đời của Đức Phật
Chương 8. Thầy thuốc tâm linh
Đức Phật đi ngang một làng có người mù nhưng hay lý sự. Cả làng nói với ông ta về ánh sáng, nhưng không ai chứng minh được là ánh sáng có thật. Chẳng có cách nào để chứng minh ánh sáng cả. Hoặc là bạn thấy, hoặc không, nhưng không thể chứng minh được. Anh mù nói, "Tôi có thể sờ được, và tay tôi có cảm giác. Bạn hãy đưa ánh sáng lại đây. Tôi sẽ sờ và sẽ cảm thấy được."
Nhưng tay không thể sờ ánh sáng được. Họ nói, "Không thể sờ được, cũng không cảm thấy được." Anh mù nói, "Dùng cách khác vậy. Tôi có thể ngửi, có thể nếm, có thể nghe được. Tôi chỉ có những giác quan đó thôi. Tôi sẽ dùng tai, dùng mũi, dùng lưỡi, hay dùng tay. Vậy tôi phải theo lẽ thông thường của tôi, hay tôi phải theo các người? Theo tôi thì chẳng có ánh sáng; các người chỉ khéo bịa đặt mà thôi. Các người đặt chuyện để gạt những người ngây thơ như tôi để chứng minh các người có mắt, còn tôi đui. Vấn đề không phải là có ánh sáng hay không. Các người chỉ muốn chứng minh là các người có mắt, còn tôi thì không. Bởi vì không cãi lại tôi nên các người mới vẽ rắn thêm chân như thế. Chẳng có ai thấy ánh sáng, bởi vì nó không có thật."
Khi Đức Phật có dịp đi ngang làng đó, dân làng nói với nhau, "Đây là cơ hội tốt. Chúng ta hãy đem trạng sư của chúng ta đến gặp Ngài. Biết đâu Ngài chẳng thuyết phục được anh gàn ấy. Nếu Ngài cũng chịu thua, lão ấy hết thuốc chữa rồi." Anh mù ấy được đưa đến gặp Đức Phật. Dân làng đã kể rõ tự sự cho Ngài, rằng lão già ấy cố cãi là mọi người đều mù, rằng không có ánh sáng, rằng không ai có thể chứng minh được ánh sáng có thật. Nhưng lời Đức Phật rất đáng để đời. Ngài nói, "Tôi không phải là người ông ta cần gặp. Ông ta không cần một triết gia. Ông ta cần bác sĩ. Vấn đề không phải là thuyết phục, mà là chữa mắt cho ông ta. Nhưng may quá. Bác sĩ của chúng tôi có ở đây." Một ông vua của một tiểu quốc đã phái một bác sĩ đi theo Đức Phật ngày đêm để săn sóc cho Ngài.
Ngài nói với vị bác sĩ ấy, "Hãy săn sóc cho ông ta." Bác sĩ khám mắt ông ta rồi nói, "Cũng không đến nỗi nặng lắm. Mắt ông ta bị nhiễm trùng. Nhiều nhất là sáu tháng ông ta có thể lành bệnh." Đức Phật để bác sĩ ấy lại làng đó, và sau sáu tháng ông ta mở mắt nhìn đời. Những lý luận cùn của ông ta mất hẳn. "Chao ôi! Hồi nào đến giờ tôi vẫn nói là mọi người gạt tôi, chọc ghẹo tôi. Ánh sáng có thật. Tôi bị mù. Nếu chấp nhận là mù ngay từ đầu, tôi đã không phải sống trong bóng tối bấy lâu nay." Sáu tháng sau Đức Phật trở lại. Lão mù ngày xưa vui như mở cờ trong bụng. Ông ta quỳ xuống dưới chân Ngài và nói, "Ngài thật là từ bi vô lượng. Ngài đã không thèm cãi với con, mà cho bác sĩ chữa cho con." Đức Phật nói, "Đó là việc của ta. Những người mù về mặt tâm linh rất đông. Ta không cần phải thuyết phục họ về những cái đẹp, những phúc lạc, những ngây ngất của cái tồn tại. Ta là một thầy thuốc." Một sáng kia vua Prasenjta đến thăm Đức Phật. Ôngấy mang theo một bông huệ thật là đẹp, cùng với một hạt kim cương rất qúy. Ông ấy đến theo lời thỉnh cầu của vợ, "Khi Đức Phật đến đây, ông đừng mất thời giờ với những đám ngố kia và bàn luận những chuyện tầm phào với chúng..." Từ lúc nhỏ bà ấyđã theo Đức Phật, trước khi kết hôn. Chồng của bà ấy chẳng biết gì về Đức Phật cả, nên khi nghe vợ căn dặn, ông ấy nói, "Nhân cơ hội này ta cũng muốn đến để biết người ấy thuộc loại nào." Vì là người có cái tôi rất lớn, ông ta lấy một hạt kim cương quý giá nhất để tặng Đức Phật. Ông ta không muốn đến như một thường nhân. Thật ra, ông ta muốn mọi người biết ai vĩ đại hơn, Phật hay Prasenjta. Hòn ngọc ấy quý giá đến độ máu đã đổ, thịt đã rơi rất nhiều vì nó. Thấy điệu bộ của ông ta, bà vợ cười to và nói, "Ông chẳng hề biết người ông sẽ gặp là loại nào. Tốt hơn là ông mang theo một bông hoa, hơn là một hòn ngọc. Ông ta chẳng hiểu ý vợ nhưng nói, "Cũng chẳng hại gì. Hay là ta đem theo cả hai." Khi đến gặp Đức Phật, ông ta dâng hòn ngọc đang mang theo trong tay. Đức Phật nói, "Hãy bỏ nó xuống!" Theo phản ứng tự nhiên, ông ta bỏ nó xuống. Ông ta nghĩ có lẽ vợ đã nói đúng. Khi ông ta dâng lên bông hoa đang cầm trong tay kia, Đức Phật lại nói, "Hãy bỏ nó xuống!" Ông ta bỏ hoa xuống và tự nghĩ, "Lão này có vẻ quái chiêu quá thật!" Lúc đó, Phật có mười ngàn đệ tử. Prasenjta muốn chui xuống đất mà trốn vì cảm thấy quá ngượng ngùng. Đức Phật lại nói, "Ông không nghe lời ta nói sao? Hãy bỏ nó xuống!" Prasenjta nghĩ, "Lão này điên rồi. Ta đã bỏ hòn ngọc, và đã bỏ cả hoa. Còn gì nữa mà bỏ?" Ngay lúc đó, Xá Lợi Phất,đại đệ tử của Phật, phá lên cười. Prasenjta quay lại hỏi, "Sao mà Ngài cười vậy?" Xá Lợi Phất nói, "Ông không hiểu ý của Đức Phật. Ngài không nói ông phải bỏ hòn ngọc, không phải bỏ bông hoa. Ngài muốn ông bỏ chính mình, bỏ cái tôi của ông xuống. Ông có thể giữ hoa, có thể giữ ngọc, nhưng hãy bỏ cái tôi. Đừng giữ nó làm gì." Bạn đã nghe về Cleopatra, người đàn bà đẹp nhất Ai Cập. Người đàn bà Ấn đẹp ngang với Cleopatra là Amrapali. Bà ấy sống cùng thời với Đức Phật. Lúc ấy Đức Phật đang tạm trú tại thành Vaishali, nơi Amrapaliđang làm kỹ nữ. Hồi đó, Ấn Độ có một tục lệ rất là cổ quái. Người đàn bà đẹp nhất thành phố không được phép lấy chồng, bởi vì điều đó sẽ tạo ra ghen tỵ, xung đột, tranh chấp không cần thiết. Cho nên người đàn bà đẹp nhất phải trở thành vợ công cộng. Nhưng không phải vì họ mọi rợ. Ngược lại, bà ấy được mọi người kính trọng, như thể ngày nay ta gọi người đàn bà đẹp nhất là hoa hậu. Bà ấy không phải là một kỹ nữ tầm thường. Những người đến với bà ấy là những người giầu lớn, vua chúa, quận công, và những người có thế lực nhất của xã hội. Amrapali rất là đẹp. Một hôm, từ trên lầu bà ấy thấy một nhà sư trẻ. Bà ấy chưa hề yêu ai, mặc dù ngày ngày bà ấy đóng kịch thương người này, yêu người kia, nhưng hôm nay bất thình lình bị tiếng sét ái tình đánh trúng. Mà ngoài cái bình bát ra, người trai ấy chẳng có gì cả. Nhưng người trai ấy rất tự tin, tỉnh thức, và đầy sức sống, toàn thân thoát ra một mùi đạo hạnh. Amrapali từ trên lầu phóng xuống như bay và nói với nhà sư ấy, "Hôm nay xin thầy hãy nhận đồ cúng của tôi." Sau nhà sư ấy có nhiều sư khác theo sau, bởi vì mỗi khi Đức Phật đi đâu, có cả mười ngàn đệ tử đi theo. Những vị sư khác không thể ngờ được chuyện ấy. Họ cảm thấy ghen tỵ, giận dữ khi thấy nhà sư trẻ ấy được Amrapali sănđón. Amrapali nói, "Ba ngày nữa là mùa mưa sẽ bắt đầu..." Trong bốn tháng mưa, các đệ tử của Phật không đi khất thực. Trong bốn tháng họ ở lại một chỗ; tám tháng còn lại họ luôn luôn di chuyển; họ không thể ở lại một chỗ quá ba ngày. Đó là một nhận xét tâm lý độc đáo: muốn cảm thấy quyến luyến một nơi nào đó, bạn phải ở đó ít nhất bốn ngày. Bạn có thể tự kiểm chứng điều đó. Thí dụ, ngày đầu đến chỗ lạ, bạn sẽ không ngủ được, nhưng ngày thứ hai thì đỡ hơn; ngày thứ ba tương đối thoải mái hơn; ngày thứ tư bạn đã quen như thể nhà mình. Cho nên nếu là một sa di, quá ba ngày bạn phải khăn gói lên đường. Amrapali nói, "Ba ngày nữa là mùa mưa sẽ bắt đầu. Tôi muốn mời ngài lưu lại trong tệ xá trong thời gian ấy."
Nhà sư trẻ ấy nói, "Xin để tôi xin phép sư phụ đã. Nếu Ngài bằng lòng, tôi sẽ trở lại." Khi nhà sư trẻ ấy bước ra, các nhà sư khác xúm lại hỏi chuyện gì đã xảy ra. Người ấy nói, "Tôi đã ăn rồi, nhưng bà ấy mời tôi ở lại trong mùa kiết hạ. Tôi nói là tôi phải xin phép sư phụ đã." Những nhà sư khác giận dữ. Một ngày đã là quá rồi, nhưng những bốn tháng! Họ trở lại tìm Đức Phật. Trước khi nhà sư trẻ ấy trở về, cả trăm người đã ton hót với Ngài, "Không thể để cho y làm như thế được. Bà ấy là một kỹ nữ. Mà một nhà sư ở với một kỹ nữ thì ai mà coi được!" Đức Phật nói, "Chớ nên hấp tấp như thế. Hãy để anh ta về đây. Anh ta chưa nhận lời mời, và nói chỉ chấp nhận nếu được sự đồng ý của ta.Để coi anh ta nói gì."
Nhà sư trẻ ấy trở về quỳ dưới chân Đức Phật và kể rõ đầu đuôi, "Bà ấy là một kỹ nữ nổi tiếng, Amrapali. Bà ấy mời con ở lại nhà trong bốn tháng mưa. Con trả lời là con phải chờ sư phụ quyết định."
Đức Phật nhìn vào mắt anh ta rồi nói, "Con có thể ở đó." Một cái sốc lớn cho mười ngàn tăng chúng. Tất cả đều sửng sốt, nhưng không dấu được sự ghen tuông và giận dữ. Họ không thể ngờ được là Đức Phật đã chấp thuận cho một nhà sư ở với một gái điếm. Khi nhà sư trẻ ấy đến ở với Amrapal iđược ba ngày, các nhà sư khác bắt đầu đàm tiếu. Cả thành phố nhốn nháo chỉ vì một nhà sư ở với một gái làng chơi trong bốn tháng trời. Đức Phật nói, "Các người hãy im lặng. Bốn tháng sẽ qua đi, và ta tin tưởng đệ tử của ta. Ta đã nhìn vào mắt của anh ta, và ta không thấy có sự ham muốn. Nếu ta không cho phép, anh ta sẽ không phản đối. Anh ta đến đó vì ta đã chấp thuận. Ta tin đệ tử của ta, tin sự tỉnh thức của anh ta, tin thiền quán của anh ta. Mà tại sao các người phải lo lắng như thế? Nếu thiền quán của anh ta có chiều sâu, Amrapali sẽ thay đổi, nếu không, anh ta sẽ bị Amrapali quyến rũ. Vì vậy, vấn đề là giữa thiền và sắc đẹp. Hãy chờ bốn tháng nữa. Ta tin người trai ấy. Anh ta rất thành tâm và cương quyết. Nhất định anh ta sẽ thành công, và sẽ cải hoán người đàn bà ấy." Tất cả đều nghi ngờ. Họ nói với nhau, "Sư phụ dễ tin quá. Hắn còn quá trẻ, lại mới ra đời. Mà Amrapali lại quá đẹp. Sao bắt hắn phải thử thách nhiều như thế?"
Bốn tháng sau, nhà sư ấy trở lại, theo sau là Amrapali trong chiếc áo sòng. Amrapali hôn chân Đức Phật rồi nói, "Con đã dùng đủ mọi cách để quyến rũ đệ tử của Ngài, nhưng anh ta đã chinh phục được con. Đạo hạnh và sự tỉnh thức của anh ta chính là bằng chứng rằng đời sống thực sự là ở dưới chân Ngài. Con muốn dâng tất cả tài sản của con cho tăng đoàn." Bà ấy có một biệt thự lộng lẫy và một hoa viên rất lớn. Bà ấy đã dâng cho Đức Phật để Ngài và các đệ tử có thể ở lại trong suốt mùa mưa. Đức Phật nói với tăng chúng, "Các ông đã hài lòng chưa?" Nếu thiền quán đã bám rễ, nếu sự tỉnh thức đã rõ ràng, không gì có thể đảo lộn được nó. Thế thì tất cả đều phù du. Amrapali trở thành một đệ tử thân cận với Đức Phật, và đã được Ngài ấn chứng là đã đắc đạo.
Tượng Phật
Năm trăm năm sau khi Đức Phật nhập diệt, tượng của Ngài không hề được tạc, tranh của Ngài không được vẽ. Trong năm trăm năm ấy, mỗi khi một chùa mới được cất lên, chỉ có tấm hình cây bồ đề được trưng ở chánh điện. Ý tưởng ấy thật là độc đáo, bởi vì khi Tất Đạt Đa thành đạo, người ấy đã biến mất hoàn toàn, chỉ còn lại là cây bồ đề. Khi Tất Đạt Đa thành Phật, anh ta không còn nữa, chỉ có cây bồ đề tồn tại.